Dù việc cải tạo rạch Thủ Đức được xem là mấu chốt trong việc chống ngập cho đô thị phía Đông TP. HCM nhưng thời điểm hiện tại vẫn đang chờ được "rót vốn".
Theo đánh giá của ông Mai Hữu Quyết - Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức (TP. HCM), việc cải tạo rạch Thủ Đức được xem là dự án mấu chốt nhằm giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức.
Để tiến hành nâng cấp xây dựng kè và cải tạo, nạo vét con rạch này, UBND TP. Thủ Đức dự kiến cần chi hơn 4.000 tỷ đồng để triển khai và dự kiến sẽ đầu tư dự án trong giai đoạn 2026-2030 nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước trên địa bàn.
Khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư) là nơi có địa hình lòng chảo với độ dốc lớn. Khi có mưa lớn, nước từ các phía sẽ đổ dồn về rất nhanh khi hạ tầng thoát nước nơi đây chưa được đầu tư kịp thời và đồng bộ.
Mới đây, sau trận mưa lớn ngày 7/6, chợ Thủ Đức biến thành "chợ nổi" khi bốn bề đều là nước.
> > Tạm ngừng giao dịch 9 lô đất hơn 10ha tại Phú Quốc sau thanh tra
Mặc dù đã quá quen với tình trạng này nhưng trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngập ngày càng nhanh và mạnh hơn, làm bung nắp hố ga khiến nước trào lên thành cột nước cao khiến người dân không khỏi lo lắng.
Mặc dù dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân với tổng vốn đầu tư 248 tỷ đồng đã được hoàn thành và đi vào hoạt động sau 3 năm nhưng tình trạng ngập vẫn diễn ra.
Theo lãnh đạo TP. Thủ Đức, cần triển khai thêm các dự án như cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức, xây dựng cống rạch Cầu Ngang hay cải tạo rạch Thủ Đức... với tổng kinh phí hơn 4.400 tỷ đồng, theo báo Lao Động.
Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý ngập cho TP. Thủ Đức trông chờ rất lớn vào việc cải tạo lại rạch Thủ Đức. Đây được xem là giải pháp đóng vai trò then chốt do nếu không thực hiện thì các giải pháp khác cũng sẽ không phát huy được hết tác dụng.
Thời điểm hiện tại, dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức vẫn chưa được ghi vốn để triển khai.
Tổng lưu vực thoát nước của rạch Thủ Đức là 675ha trong khi lòng rạch Thủ Đức bị rác thải, lục bình, cỏ dại bồi lắng, khả năng trữ nước kém, hạn chế khả năng thoát nước ra sông Sài Gòn.
Chia sẻ về vấn đề này trên báo Dân trí, PGS.TS Lê Song Giang - Trường ĐH Bách khoa TP. HCM nhận định, trong những năm qua, khu vực chợ Thủ Đức xây dựng công trình nhiều khiến tỷ lệ bê tông hóa tăng cao. Việc bê tông hóa khiến nước từ các khu vực cao hơn thoát nhanh về chợ Thủ Đức, trong khi cống thoát nước khu này ra rạch Cầu Ngang còn nhỏ hẹp, gây nên tình trạng ngập nghiêm trọng.
Biện pháp cấp bách được đưa ra chống ngập cho khu vực này chính là TP. Thủ Đức nên tìm cách hạn chế cho nước từ các khu đổ về chợ và cải tạo rạch Thủ Đức làm sao thoát nhanh ra sông Sài Gòn.
Kênh dài nhất TP. HCM đối diện với hiện trạng tái lấn chiếm mặt bằng
TP. HCM 'rót' 9.660 tỷ đồng, 'xóa sổ' hơn 1.300 căn nhà để 'hồi sinh' rạch ô nhiễm nhất thành phố