Con tàu tân tiến nhất thế giới có thể khoan xuyên lớp vỏ Trái Đất: Hoạt động trong phạm vi 28.000km, được ví như mở ra 'cánh cửa địa ngục'
Tàu khoan nghiên cứu đại dương đầu tiên của Trung Quốc có thể khoan ở độ sâu gần 11.000m, cho phép thăm dò dầu khí ở vùng biển sâu.
Tháng 12/2023, Maritime-executive thông tin, Trung Quốc đã tổ chức buổi lễ đặt tên và khánh thành tàu khoan siêu sâu mang tên Meng Xiang (Ước mơ) nhằm phục vụ việc khoan dầu khí và thăm dò khoa học.
Con tàu được giới thiệu có thể thực hiện khoan thăm dò ở độ sâu gần 11.000m (36.000 feet) và được xem là bước tiến quan trọng giúp Trung Quốc thăm dò dầu khí ở các vùng biển sâu.
China Daily cho biết, tàu có lượng giãn nước 33.000 tấn, dài 179,8m, rộng 32,8m, tầm hoạt động 15.000 hải lý (27.780km) và hoạt động trong 120 ngày liên tục mà không cần quay lại cảng. Tàu có khả năng chống chịu siêu bão cấp 16 có tốc độ gió 53m/s.
Với khả năng khoan biển hàng đầu thế giới, Meng Xiang sẽ khoan xuyên qua lớp vỏ Trái Đất và vào lớp phủ phía trên, góp phần thăm dò và khai thác tài nguyên năng lượng biển, an ninh năng lượng quốc gia và xây dựng năng lượng hàng hải. Hiện tại, Trung Quốc chưa công bố vùng biển tàu Meng Xiang tiến hành hoạt động thử nghiệm.
Dự kiến tàu Meng Xiang sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Trách nhiệm vận hành thuộc Cục Khảo sát địa chất của Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc gọi tàu Meng Xiang là "trụ cột sức mạnh" trong việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hàng hải, là bước tiến quan trọng của Bắc Kinh trong phát triển các tàu thăm dò siêu hiện đại.
Việc công bố con tàu diễn ra trong bối cảnh một Trung Quốc "khát" năng lượng đang tìm cách mở rộng phát triển dầu khí ngoài khơi. Tàu Meng Xiang được trang bị các thiết bị tiên tiến và có 9 phòng thí nghiệm phục vụ cho các lĩnh vực khoa học đại dương.
Theo South China Morning Post, tàu khoan nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc là sản phẩm của Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố ở Thượng Hải. Đây cũng là nơi đóng hầu hết các tàu khảo sát của Trung Quốc.
Băng cháy là gì?
Theo South China Morning Post, tàu khoan siêu sâu tân tiến nhất thế giới Meng Xiang sẽ phục vụ sứ mệnh mang tính đột phá nhằm khai thác “băng cháy” giàu năng lượng từ đáy đại dương cho Trung Quốc. Vậy nguồn năng lượng này là gì mà khiến Trung Quốc đầu tư lớn đến vậy?
Băng cháy được phát hiện lần đầu tiên ở Liên Xô vào những năm 1960. Nó trông giống như băng, đúng như tên gọi của nó, nhưng khi nhiệt độ tăng lên hoặc áp suất giảm xuống, nó sẽ phân hủy thành nước và khí tự nhiên.
Phó giáo sư Praveen Linga từ Khoa Hóa học và Kỹ thuật phân tử sinh học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Băng cháy trông giống như các tinh thể băng nhưng nếu bạn phóng to ở cấp độ phân tử, bạn sẽ thấy các phân tử metan bị các phân tử nước nhốt lại”.
Theo các nhà khoa học, băng cháy được tạo ra bởi sự bài tiết của vi khuẩn sống ở những nơi khó hỗ trợ sự sống như vùng vực thẳm hoặc vùng đất đóng băng vĩnh cửu (mặt đất đóng băng vĩnh viễn).
Cấu trúc này ổn định ở nhiệt độ rất thấp và áp suất rất cao. Trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, nó phân hủy, giải phóng khí metan, khí tự nhiên thông thường và nước. 1m3 băng cháy tương đương với gần 164m3 khí đốt tự nhiên.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho đến nay, băng cháy là nguồn hydrocarbon dồi dào nhất trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao và trữ lượng hydrocarbon khan hiếm, là những quốc gia quan tâm nhất đến việc phát triển tiềm năng sử dụng thương mại cho nguồn băng cháy.
Các quốc gia dẫn đầu khác trong việc thăm dò băng cháy là Ấn Độ và Hàn Quốc, những nước cũng không có trữ lượng dầu mỏ riêng. Trong khi Mỹ và Canada cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này, họ đã tập trung thăm dò khí metan hydrat dưới lớp băng vĩnh cửu ở cực bắc Alaska và Canada.