Đây là những dấu hiệu cho thấy 1 cuộc gọi giả danh, lừa đảo, chúng ta cần đề phòng để bảo vệ chính mình.
Ngày nay, các cuộc gọi lừa đảo xuất hiện nhiều hơn, với chiêu trò tinh vi hơn. Chúng đánh vào tâm lý của người dân, giả danh và lừa đảo khi người dân mất cảnh giác. Vì vậy, ngày 22/4 vừa qua, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã đưa ra nhiều khuyến cáo về các cuộc gọi lừa đảo để người dân có thể nâng cao cảnh giác, tránh sa vào "cạm bẫy" của kẻ gian.
1. Cuộc gọi giả danh người bán hàng trực tuyến
Mua hàng online không còn là điều xa lạ với nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Nhiều đối tượng lừa đảo cũng giả danh người bán hàng trực tuyến, liên hệ với các thuê bao để chuộc lợi. Chúng thường viện cớ đơn hàng của bạn có vấn đề gì đó như vận chuyển, thanh toán...
Từ đó, chúng gửi cho bạn 1 link lạ, yêu cầu bạn nhấp vào link và xử lý vấn đề. Lúc này, bạn dễ bị đánh cắp dữ liệu, nhất là khi nhập mật khẩu ngân hàng. Tài khoản của bạn dễ bị những kẻ lừa đảo xâm nhập và đánh cắp tiền.
Giả danh người bán hàng online là chiêu trò lừa đảo phổ biến. Ảnh minh họa: Internet
Mỗi người dân cần chú ý các số điện thoại giả danh người bán hàng trực tuyến. Bạn nên theo đõi đơn hàng trên các app mua hàng online khác nhau và gọi lên tổng đài khi cần hỗ trợ.
2. Cuộc gọi giả danh công an
Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến là giả danh công an. Chúng đánh vào tâm lý hoảng loạn, lo lắng khi có công an gọi đến và yêu cầu chúng ta cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ điều tra. Những đối tượng giả danh công an này cũng thường yêu cầu chúng ta phải im lặng, giữ bí mật về cuộc gọi để quá trình điều tra diễn ra nhanh hơn.
Những người không tỉnh táo sẽ dễ bị lừa trắng trợn trong trường hợp này. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nhận thấy cuộc gọi tự xưng là công an thì nên tới thẳng cơ quan công an gần nhất để trình báo. Ngoài ra, bạn cần bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin và giúp kẻ xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Cuộc gọi giả danh nhân viên ngân hàng
Nhiều đối tượng lừa đảo cũng giả danh nhân viên ngân hàng, tạo nên những tình huống nghiêm trọng, khiến chúng ta sợ hãi, hoang mang và làm theo điều chúng nói. Cách lừa đảo phổ biến nhất của chúng là thông báo tài khoản ngân hàng, tín dụng của bạn có rủi ro lộ thông tin, cần phải thay đổi thông tin. Nếu như lúc này bạn cung cấp mã OTP cho chúng thì số tiền trong tài khoản có nguy cơ "bay màu".
Nhiều kẻ giả danh nhân viên ngân hàng để làm người dân hoang mang, dễ lừa đảo. Ảnh minh họa: Internet
Lời khuyên hữu dụng là mọi người nên cảnh giác trước mọi số điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng. Đồng thời, chúng ta tuyệt đối không được nhấp vào bất cứ link lạ nào mà chúng gửi.
4. Người giả vờ chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn
Nhiều người còn gặp trường hợp có kẻ tự xưng chuyển nhầm tiền vào thẻ ngân hàng. Chúng yêu cầu bạn phải trả lại tiền nếu không sẽ dính vào kiện tụng. Nếu như bạn cả tin, chủ động chuyển tiền cho đối phương thì rất có thể sẽ "sập bẫy" lừa đảo.
5. Người không có danh tính rõ ràng
Nhiều người còn gặp phải trường hợp kẻ lạ mặt giả danh người quen, lợi dụng lòng tin và lừa đảo. Khi gọi đến, chúng thường sử dụng giọng điệu vui vẻ, vờ như quen biết. Chúng sẽ nói: "Đoán xem tôi là ai" để tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ, lúc này bạn dễ nói ra vài cái tên mình quen biết.
Lúc này, kẻ gian sẽ giả danh thành người đó, hỏi vay tiền từ bạn. Sau khi bạn chuyển tiền, số thuê bao này sẽ chặn số bạn ngay lập tức.
Bạn nên cảnh giác với đối tượng gọi đến không rõ danh tính. Ảnh minh họa: Internet
Để tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng, chúng ta nên xác nhận kỹ đó có phải người quen của mình hay không rồi mới giao dịch tiền bạc.
>> Công an công bố 2 số điện thoại lừa đảo, người dân nên ‘thuộc lòng’ để tránh tiền mất tật mang