Công bố 4 số điện thoại lừa đảo mới nhất, người dân tuyệt đối không nghe máy, kết bạn Zalo
Thủ đoạn của các đối tượng là yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ để liên kết với ví điện tử do chúng kiểm soát, nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Chiều 15/7, Công an TP. Đà Nẵng vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh nhân viên tổng đài ngân hàng để gọi điện, mời người dân phát hành thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, chủ động liên hệ qua điện thoại, tin nhắn (SMS, Zalo, Messenger…) để thuyết phục khách hàng mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc đăng ký phát hành thẻ tín dụng.
Một số số điện thoại được phản ánh có hành vi lừa đảo gồm 0236.688.8766, 0248.886.0469, 0288.886.5154, 0245.555.7665…

Sau khi lấy được lòng tin, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ để liên kết với ví điện tử do chúng kiểm soát, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Những thông tin mà kẻ gian thường yêu cầu bao gồm:
- Hình ảnh thẻ, dãy số in trên thẻ, tên chủ thẻ hoặc màn hình hiển thị số thẻ đầy đủ trong dịch vụ ngân hàng số.
- Mã OTP được gửi đến số điện thoại của khách hàng.
Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn có thể yêu cầu nạn nhân chuyển tiền với lý do thanh toán phí hồ sơ, phí phát hành thẻ…
Theo cơ quan công an, chị K.O. (21 tuổi, trú tại TP. Đà Nẵng) vừa trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo với số tiền gần 8 triệu đồng. Đối tượng giả danh người giao hàng (shipper), gửi thông tin chuyển khoản và liên tục hối thúc chị O. chuyển tiền với lý do "giao hàng gấp".
Sau khi nạn nhân chuyển khoản, một đối tượng khác tiếp tục gọi điện, thông báo rằng chị O. đã “chuyển nhầm vào tài khoản công ty”, đồng nghĩa với việc “đăng ký hội viên” và sẽ bị tự động khấu trừ 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Đối tượng này còn gửi một đường link giả mạo, tự xưng là bộ phận chăm sóc khách hàng, và hướng dẫn chị O. thực hiện thêm các thao tác nhằm chiếm đoạt thêm tài sản.
Theo Công an TP. Đà Nẵng, thủ đoạn trên là chiêu trò lừa đảo không mới, thường được các đối tượng giả danh shipper sử dụng để chiếm đoạt tài sản. Chúng thường thu thập hoặc mua bán dữ liệu cá nhân của những người có thói quen mua sắm trực tuyến. Từ đó, các đối tượng chủ động gọi điện thông báo giao hàng vào những khung giờ nạn nhân vắng mặt tại nhà, rồi yêu cầu chuyển khoản trước để tạo lòng tin, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo như trong vụ việc nói trên.

Một trường hợp khác, ngày 11/7, anh N.V.P.Đ (sinh năm 1982, trú tại phường Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) nhận cuộc gọi từ số 0245.555.7665, thông báo về việc phát hành thẻ tín dụng của Ngân hàng Vietcombank. Tin tưởng thông tin từ người gọi, anh Đ làm theo hướng dẫn và sau đó phát hiện tài khoản Vietcombank của mình đã bị rút mất 30 triệu đồng.
Trước tình hình trên, Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như thông tin thẻ, mật khẩu ứng dụng ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Không truy cập các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua email, tin nhắn hoặc mạng xã hội.
Người dân cũng được khuyến nghị thường xuyên cập nhật các hướng dẫn giao dịch an toàn từ website chính thức của các ngân hàng và lập tức thông báo cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bị lừa đảo để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC hướng dẫn các bước tránh bị lừa đảo, người dân cả nước cần nắm rõ
Giám đốc sở hữu 3 công ty bất động sản lừa đảo hơn 105 tỷ đồng