Các chuyên gia đánh giá, việc công khai lãi suất bình quân cho vay không chỉ khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn mà còn khiến tín dụng ra nền kinh tế dồi dào hơn.
Để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, thông tin triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4.
Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng hơn
Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ mới nhất, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 10/4/2024 cần thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay; nghiên cứu có lộ trình từng bước bỏ hạn mức tín dụng và có kiểm soát bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bảo đảm an toàn hệ thống…
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần thúc giục, đến nay, phần lớn các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra quan điểm: “Vốn với doanh nghiệp như là mạch máu cho cơ thể. Tôi cho rằng sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ cũng là một lực đẩy rất quan trọng, để hệ thống của chúng ta vận hành một cách hiệu quả, để cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thuận lợi và bền vững hơn nữa”.
>>Hàng loạt ngân hàng ‘rục rịch’ tăng lãi suất tiết kiệm
Đánh giá về việc công khai lãi suất, PGS. TS Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Trường đại học Kinh tế - Luật TP. HCM đánh giá việc công khai biểu lãi suất sẽ có tác dụng vì ở vai trò người vay thì người ta sẽ kì vọng lãi suất danh nghĩa giảm thì lãi suất hiệu dụng đối với từng khoản vay cụ thể sẽ giảm theo. Người vay cũng sẽ có một khung tham chiếu thế nào là cao, thế nào là thấp để nhận diện được giá vốn cân bằng trong thị trường và như thế họ sẽ có các quyết định tài chính phù hợp hơn.
Việc công khai biểu lãi suất sẽ có tác dụng vì ở vai trò người vay thì người ta sẽ kì vọng lãi suất danh nghĩa giảm thì lãi suất hiệu dụng đối với từng khoản vay cụ thể sẽ giảm theo. |
Công bằng giữa các doanh nghiệp được đảm bảo
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá yêu cầu về công khai lãi suất cho vay bình quân cũng là tín hiệu đáng mừng. Qua đó, giúp cho việc cấp tín dụng của Ngân hàng Thương mại công khai minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.
“Về mặt kinh doanh thì quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp còn tuỳ vào nhiều yếu tố và tuỳ từng khách hàng. Khách hàng có độ tín nhiệm cao thì lãi suất thấp, độ tín nhiệm thấp thì lãi suất sẽ cao. Do đó, việc công bố chỉ là lãi suất bình quân để tham khảo”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng đánh giá việc công khai lãi suất bình quân này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đến vay và lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế sẽ dồi dào hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân các khoản vay mới hiện chỉ còn 6,4%/năm, giảm thêm 0,7% so với cuối năm 2023.
Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với hồ sơ vay vốn.
Báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho biết nếu như trong quý đầu tiên của năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,26%, thì sang quý 2 dự báo sẽ tăng tới 3,8%. Điều này kỳ vọng nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ được đẩy mạnh khơi thông.
>>Dư địa giảm lãi suất cạn dần, tăng trưởng năm 2024 dựa vào đâu?