Công nghệ 5G được ứng dụng hỗ trợ giám sát đa dạng sinh học, nạn phá rừng và săn trộm động vật hoang dã tại các quốc gia như Kenya, Brazil, Tanzania và Indonesia.
Bước ngoặt công nghệ
Trước đây, các chuyên gia thường sử dụng điện thoại di động để “lắng nghe” những âm thanh bất thường trong rừng, xuất phát từ những hoạt động phi pháp của lâm tặc. Song với sự phát triển của kỷ nguyên Internet vạn vật (IoT), các tổ chức môi trường và phi lợi nhuận đã có công cụ hiệu quả để thực hiện công việc của mình.
Một vài năm trước, Rainforest Connection, một tổ chức phi lợi nhuận đã chuyển từ điện thoại di động sang thiết bị tùy chỉnh có tên là Guardian để giám sát đa dạng sinh học. Hiện tại, tổ chức này đã lắp đặt thiết bị mới ở hơn hơn 15 quốc gia.
Hệ thống được đặt trên các tán cây, gồm những tấm pin mặt trời giống như những cánh hoa. Bourhan Yassin, CEO của Rainforest Connection, cho biết Guardian chứa một micrô bên ngoài có độ nhạy có thể thu được “âm thanh mà ngay cả tai người cũng không thể nghe được” ở phạm vi từ 50 đến 1.500 mét.
Dữ liệu do Guardians thu thập được truyền qua vệ tinh hoặc mạng di động kỹ thuật số đến Nền tảng đám mây Guardian, nơi dữ liệu được xử lý bằng thuật toán học máy được đào tạo, để xác định các ưu tiên khác nhau mà tổ chức đang giám sát.
Chẳng hạn, mô hình học máy được đào tạo với hơn 22.000 ví dụ về âm thanh cưa máy, giúp nó nhanh chóng xác định âm thanh của hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp.
Ngay khi âm thanh được nhận dạng, cảnh báo tự động được gửi đến điện thoại di động của người phụ trách, thường là thành viên của các tổ cộng đồng địa phương, để lên phương án can thiệp kịp thời.
Rainforest Connection được thành lập để đấu tranh với các mối đe dọa trước mắt như khai thác gỗ và săn trộm, nhưng tổ chức phi lợi nhuận này đã nhận ra rằng theo thời gian, thư viện âm thanh khổng lồ của mình, hơn 100 triệu bản ghi âm, có thể được sử dụng cho những mục đích tốt hơn.
“Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề không chỉ là kịp thời phát hiện những điều tồi tệ mà âm thanh cảnh báo”, Yassin nói. “Dữ liệu còn đem lại sự hiểu biết về hành vi các loài động vật hoang dã, từ đó là thông tin quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học”. Những bản ghi âm này được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai quan tâm đến việc sử dụng âm thanh để theo dõi đa dạng sinh học.
Lợi ích từ công nghệ 5G
Mặc dù vô cùng hữu ích nhưng dữ liệu âm thanh không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Để truy cập tín hiệu 3G hoặc 4G, Rainforest Connection hướng ăng-ten của Guardian về phía tháp điện thoại di động của một thị trấn gần đó.
Yassin cho biết, khả năng băng thông hạn chế của 3G và 4G đồng nghĩa “âm thanh thường bị nén dung lượng đáng kể, khiến chúng chỉ có thể sử dụng được trong một số trường hợp nhất định”.
Bởi vậy, thế hệ công nghệ không dây thứ năm, hay 5G, là tiêu chuẩn di động mới nhất và được biết đến với độ trễ thấp và băng thông cao, được coi là lời giải cho khó khăn này.
Hiện tổ chức phi lợi nhuận này đã tạo ra một nguyên mẫu Guardian hỗ trợ 5G. Vào năm 2021, Rainforest Connection đã dành hai tuần để thử nghiệm các thiết bị có khả năng 5G ở Ba Lan, nơi họ có một dự án ở Công viên Quốc gia Białowieża, được coi là điểm nóng đa dạng sinh học của châu Âu.
Mục đích của thử nghiệm là để xem tổ chức có thể thu được dữ liệu âm thanh chất lượng cao nhanh chóng và đáng tin cậy như thế nào để giám sát đa dạng sinh học theo thời gian thực. Những thử nghiệm ban đầu này cho thấy 5G có thể tăng cường công việc.
Yassin cho biết: “Khi kết nối nguyên mẫu Guardian mới với tháp 5G, chúng tôi có thể gửi một số âm thanh có độ trung thực thực sự cao với tốc độ truyền tải đáng kinh ngạc”. Khả năng này đặc biệt hữu ích trong những tình huống khó ghi nhận âm thanh phức tạp, chẳng hạn như khi theo dõi các bầy dơi.
Tuy nhiên, tính khả dụng của 5G vẫn còn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực xa xôi hẻo lánh mà các tổ chức bảo vệ môi trường thường hoạt động. Yassin cho rằng sẽ phải mất vài năm nữa thì 5G mới được tích hợp vào hầu hết các dự án rừng nhiệt đới của tổ chức.
(Theo Business Insider)