Xã hội

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lọt top 10 trang web tiếng Việt nhiều người đọc, fanpage cao điểm lên đến 30 triệu lượt truy cập/ngày

Manh Lan 14/11/2024 - 17:24

Trên nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung.

Thông tin này được chia sẻ tại "Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương năm 2024" sáng 14/11.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (TTĐT), cho biết, hiện, Cổng TTĐT Chính phủ nằm trong top 10 các website tiếng Việt có nhiều người truy cập. Trên nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung.

Với vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin, ông Sâm - đại diện Cổng TTĐT Chính phủ - nhấn mạnh: “Chúng tôi tổ chức truyền thông những nội dung có ảnh hưởng tới đời sống người dân, cập nhật những thông tin, dữ liệu chính thống một cách nhanh nhất, chính xác nhất, liên tục 24/7, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết".

cong-thong-tin-dien-tu-chinh-phu-1.png
Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: VGT

Ngoài nền tảng website, Cổng TTĐT Chính phủ đã mở rộng sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter và Zalo để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng cũng như các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Đặc biệt, fanpage “Thông tin Chính phủ” trên Facebook hiện có hơn 5,4 triệu người theo dõi, thu hút từ 15-20 triệu lượt truy cập mỗi ngày, và những ngày cao điểm đạt đến 30 triệu lượt.

Kênh YouTube Thông tin Chính phủ cũng có gần 300.000 người theo dõi, với khoảng 7 triệu lượt xem hàng tháng, và một số video đạt trên 1 triệu lượt xem. Trên Zalo, các trang thông tin có hơn 10 triệu tài khoản theo dõi, đạt mức 2,3 triệu lượt tiếp cận mỗi tháng.

Bên cạnh những thành tựu, việc quản lý, vận hành các cổng TTĐT tại các bộ, ngành và địa phương còn gặp không ít khó khăn. Ông Sâm chia sẻ rằng hiện nay có 4 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng cổng dữ liệu cấp bộ và cấp tỉnh. Nhiều địa phương cũng cung cấp thông tin qua các nền tảng Facebook, YouTubeZalo.

cong-thong-tin-dien-tu-chinh-phu-2.png
Giao diện chính nền tảng web của Cổng TTĐT Chính phủ. Ảnh: Chụp màn hình

Tuy nhiên, do hầu hết các cổng TTĐT này được hoàn thiện trước khi Nghị định 42/2022/NĐ-CP ban hành nên chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mới. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế rõ ràng về kinh phí, thù lao và nhuận bút cho đội ngũ vận hành, cùng với khó khăn về nhân lực và hạn chế về hạ tầng công nghệ, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả của các cổng thông tin.

Ông Sâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cổng TTĐT Chính phủ và cổng TTĐT các bộ, ngành trong việc kết nối và xây dựng hệ sinh thái thông tin thống nhất. Theo ông, điều này giúp truyền tải các chỉ đạo, điều hành và chính sách quan trọng, thiết thực đến người dân và doanh nghiệp một cách chính xác và kịp thời.

TS. Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ), nhận định rằng các cổng TTĐT đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng. Ông cho biết, các mối đe dọa như mã độc (malware) với các dạng như Ransomware, Trojan, Worms, Spyware và Adware... có thể xâm nhập và làm gián đoạn hệ thống, dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu quan trọng và gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý của Nhà nước. Các lỗ hổng bảo mật cũng là điểm yếu mà tin tặc nhắm đến, và nếu không được khắc phục kịp thời, hệ thống công nghệ thông tin sẽ dễ dàng bị tấn công và khai thác.

cong-thong-tin-dien-tu-chinh-phu-3.png
Fanpage "Thông tin Chính phủ" trên nền tảng Facebook. Ảnh: Chụp màn hình

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh vai trò của các cổng TTĐT trong việc kết nối thông tin giữa chính quyền và người dân, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Ông cho biết Bộ TT-TT đã xây dựng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), và các cổng TTĐT cần nhanh chóng kết nối với hệ thống này để khai thác dữ liệu phục vụ quản lý và cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cũng sẽ tiến hành đánh giá định kỳ chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cổng TTĐT của cơ quan nhà nước trên toàn quốc. Thứ trưởng Phương khuyến nghị các đơn vị học tập cách thức truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ, đa dạng hóa phương thức truyền tải thông tin bằng nhiều hình thức như mạng xã hội và infographic để thông tin trở nên hấp dẫn, dễ tiếp cận hơn.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và sự quan tâm đầu tư vào công nghệ, Cổng TTĐT Chính phủ không chỉ đơn thuần là một kênh thông tin mà còn là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và người dân, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, chính xác các thông tin quan trọng. Nhờ đó, người dân có thể nắm bắt những chính sách mới nhất, đồng thời góp phần nâng cao niềm tin vào hệ thống quản lý của Nhà nước trong thời đại số hóa.

>> Việt Nam có 3 món ăn lọt top món trộn ngon nhất châu Á do chuyên trang ẩm thực Taste Atlas bình chọn

Xuất hiện nhiều trang fanpage mạo danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU để lừa đảo

Xử lý quản trị viên fanpage duyệt tin sai sự thật về vỡ đê ở Hà Nội

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cong-thong-tin-dien-tu-chinh-phu-lot-top-10-trang-web-tieng-viet-nhieu-nguoi-doc-fanpage-cao-diem-len-den-30-trieu-luot-truy-capngay-130339.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lọt top 10 trang web tiếng Việt nhiều người đọc, fanpage cao điểm lên đến 30 triệu lượt truy cập/ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH