Nếu có 10 đồng, tỉ lệ cơ bản dùng để tiết kiệm là 1/3. Tỷ lệ tiết kiệm sẽ tăng khi thu nhập tăng lên nhiều lần.
Chia sẻ với báo giới đầu Xuân 2022, TS. Võ Đình Trí - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP. HCM và IPAG Business School Paris đã đưa ra những góc nhìn cá nhân về công thức đầu tư năm 2021 cũng như nhận định chung về thị trường chứng khoán năm Nhâm Dân.
Trả lời câu hỏi về việc phân bổ như thế nào nếu có 10 đồng tài sản, ông Trí cho biết: "Có một công thức chung nhưng sẽ thay đổi theo điều kiện. Ví dụ khi bạn mới ra trường và đi làm, tỷ lệ tiết kiệm sẽ khác. Khi bạn phát triển hơn và có thu nhập tốt hơn, tỷ lệ tiết kiệm cũng sẽ khác đi.
Nếu kiếm 10 đồng, tỉ lệ cơ bản mà người ra thường nói trong tài chính cá nhân là tiết kiệm khoảng 1/3, tức là khoảng 3 đồng. Tỷ lệ tiết kiệm sẽ tăng khi thu nhập tăng lên nhiều lần.
Lúc đầu thu nhập của bạn là 10 đồng, bạn tiết kiệm 3 đồng, dành 7 đồng vào chi tiêu và những mục đích khác, tỷ lệ tiết kiệm lúc này là 30%. Trường hợp thu nhập của bạn là 100 đồng, bạn sẽ tiết kiệm nhiều hơn rất nhiều so với 30%. Vì thu nhập 100 đồng 1 tháng, bạn chi tiêu có 20 - 30 đồng đã là rất nhiều với trước đây là 7 đồng do đó tỷ lệ tiết kiệm là 70 - 80%.
Thu nhập càng tăng thì tỷ lệ tiết kiệm cũng sẽ càng tăng nếu chi tiêu của mình vừa phải và có kiểm soát. Đó là cách mà người ta tích lũy rất nhanh.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, bất kỳ hình thức đầu tư nào cũng có rủi ro đi kèm.
"Khi bạn kỳ vọng lợi nhuận cao thì bạn phải chấp nhận xác suất rủi ro cao. Xét về mức độ rủi ro thì cổ phiếu là một loại hình đầu tư có mức độ rủi ro cao. Ngay trong cổ phiếu cũng có những mức độ rủi ro khác nhau. Có những cổ phiếu có mức độ rủi ro rất cao, mình hay gọi là những cổ phiếu "rác". Còn những loại cổ phiếu bluechip có mức độ rủi ro thấp hơn.
Nhớ lại những đợt khủng hoảng tài chính, hay giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh thì độ biến động của cả thị trường chứng khoán rất lớn so với các loại hình tài sản khác", ông Trí đánh giá.
Tôi không phải người mua bán cổ phiếu thường xuyên. Tôi điều chỉnh các danh mục của mình khoảng 2 lần mỗi năm. Trong đầu tư, mỗi người có chiến lược riêng. Kinh nghiệm và công cụ tôi sử dụng là dùng các bộ lọc cổ phiếu của những tổ chức cung cấp chuyên nghiệp có trả phí, đồng thời đọc rất nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán và các nhà phân tích.
Về kỹ năng đầu tư và lựa chọn cổ phiếu, vị chuyên gia cho biết: "Tôi không có thời gian để đi định giá từng cổ phiếu, công việc đó là bất khả thi vì mình còn có những công việc chính khác. Vì vậy, tôi sẽ "đứng trên vai của những người khổng lồ", đọc các báo cáo, khuyến nghị của nhiều nguồn rồi so sánh đối chiếu trong số khuyến nghị ấy, mình đồng ý với những khuyến nghị nào thuyết phục để theo dõi.
Trong năm có những tình huống, biến động xấu đi thì mình sẽ phải nhanh chóng thay đổi cấu trúc danh mục. Trường hợp tình hình nóng quá, lúc đó mình lại lựa chọn tăng tỷ trọng tiền mặt của mình lên, bán bớt các cổ phiếu tốt. Kể cả cổ phiếu tốt, mình vẫn phải bán bớt, chỉ giữ lại một số lượng ít thôi. Mình cứ giữ tiền mặt tương đối sau đó xem lại thị trường và điều chỉnh trở lại vào thời điểm thích hợp".