Công thức quản trị người của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Mời tướng không bằng khích tướng, loại bỏ ngay nếu không làm được việc!
Điều hành cả một tập đoàn lớn và đa ngành nghề như Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có những triết lý tìm và dùng người vô cùng độc đáo.
Trong bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu khối tài sản 5,7 tỷ USD. Ông hiện đang là người giàu nhất Việt Nam và đứng trong top 500 thế giới.
Sở hữu khối tài sản khổng lồ và đa ngành nghề, tính đến cuối năm 2022, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có hơn 51.400 nhân viên các cấp khác nhau (theo Báo cáo thường niên Vingroup năm 2022), trong đó, có tới hơn 20.000 người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Chính vì vậy để quản lý và vận hành bộ máy của mình, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có những triết lý sử dụng nhân sự vô cùng độc đáo.
Tin dùng các "nữ tướng"
Theo đó, tỷ phú Vingroup Phạm Nhật Vượng là người tin dùng các “nữ tướng” một cách lạ lùng. Trong Vingroup, rất nhiều nữ lãnh đạo giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý, chẳng hạn như bà Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng, Nguyễn Diệu Linh (Phó chủ tịch HĐQT Vingroup), Lê Thị Thu Thuỷ (CEO VinFast), Nguyễn Thu Hằng (CEO Vinhomes),.. Triết lý này có khá nhiều điểm tương đồng với tỷ phú Jack Ma của Alibaba.
Jack lý giải, ông tin rằng nhiều phụ nữ là “thứ nước xốt bí mật” trong ban điều hành của các công ty do mình quản lý, bởi họ luôn có sự quan tâm đến mọi người nhiều hơn đàn ông. Ngoài ra doanh nhân nữ luôn nhạy cảm và tế nhị, cẩn thận và tinh tế, dịu dàng và dễ thuyết phục đối tác, tính tình ôn hòa và dễ chịu, luôn chịu đựng giỏi và biết kiên nhẫn, chịu học và khiêm tốn, biết chăm sóc, yêu thương và cuối cùng là cũng luôn dĩ hòa vi quý…
"Đưa yêu cầu thì phụ nữ đưa yêu cầu tốt hơn. Phụ nữ đòi hỏi tốt hơn anh em mình. Ví dụ tài chính kế toán, pháp lý kinh doanh… là thế mạnh của phụ nữ. Cho nên đương nhiên những vị trí đó bao giờ chúng tôi cũng bổ nhiệm phụ nữ", vị Chủ tịch Vingroup chia sẻ trên Báo Vietnamnet hồi năm 2019. Ngoài ra điểm thứ 2 vị tỷ phú này không phủ nhận chính là việc phụ nữ ổn định, chăm chỉ, chỉn chu hơn nam giới.
Với một người dám nghĩ, dám làm và đôi khi có chút liều lĩnh như ông Phạm Nhật Vượng thì sự cẩn trọng của phụ nữ sẽ giúp ông không có những quyết định vội vàng, qua đó giúp Vingroup phát triển như ngày nay.
Dàn “nữ tướng” hùng hậu từng góp mặt tại Vingroup. |
Loại bỏ ngay nếu không phù hợp
Tại ĐHĐCĐ năm 2023 của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ trong việc quản trị nhân lực tại VinFast. Theo đó, ông Vượng chia sẻ: "Hôm trước tôi nói chuyện với một giám đốc của một ngân hàng hàng đầu thế giới. Sau một hồi vòng vo thì anh ấy hỏi tôi: Trong năm 2022, tại sao VinFast lại thay cơ bản hết đội ngũ lãnh đạo? Vì sao lại thay người nhanh quá?"
Trả lời thắc mắc của vị lãnh đạo trên, Chủ tịch Vingroup cho biết VinFast hiện vẫn đang là một startup, công ty tuyển nhân tài từ khắp thế giới về làm việc, tuy nhiên sác xuất tuyển đúng người giỏi, đúng người phù hợp, đúng người chịu làm việc rất thấp. "Vậy khi phát hiện những người không phù hợp, không đủ năng lực, thậm chí là yếu kém đi thì là một công ty mạnh, liệu anh sẽ sa thải luôn hay đợi 1, 2 năm mới sa thải? Tôi nghĩ câu hỏi này không cần tôi trả lời thì anh cũng tự có lời giải", ông Vượng thẳng thắn chia sẻ.
Trước đó vào tháng 6/2022, Reuters đưa tin 4 nhân sự cấp cao của VinFast đã thôi việc tại công ty. Người phát ngôn của VinFast cho biết, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với 4 người khi được sự đồng ý của họ. Tháng 3/2023, VinFast thông tin về việc thêm ba lãnh đạo cấp cao phụ trách bán hàng và dịch vụ đã rời công ty.
Nghệ thuật "khích tướng" để chiêu mộ người tài
Trong một bài viết trên Báo Tuổi Trẻ năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ để thu hút được người tài thì cách làm duy nhất của ông là tinh thần yêu nước và trao quyền. Cụ thể, sau nghe tin giáo sư Vũ Hà Văn là người rất giỏi hiện đang về nước và nghỉ ngơi tại Đà Nẵng, ông Vượng ngay lập tức cử vị Phó tổng giám đốc phụ trách vào gặp và chia sẻ với anh ấy mong muốn của chuyển hướng sang công nghệ của mình.
Ông Vượng nhớ lại:"Cô ấy báo về với tôi là anh Văn muốn gặp anh Vượng để nghe thêm. Ok, gặp ngay. Thế là anh Văn ra Hà Nội. Tôi nói hết là mình muốn gì, như đã nói ở trên về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ và tôi kết: "Anh có dám làm không?". Anh Văn trả lời ngắn gọn: "Chơi thôi!"
Con người đấy (giáo sư Vũ Hà Văn) cũng rất tâm huyết. Anh ấy tâm sự rằng: "Tôi từ xưa đến nay rất muốn làm một cái gì đó cho đất nước nhưng mà chưa có điều kiện, chưa có cơ hội. Còn bây giờ tôi thấy là như thế này tôi có thể làm được".
Giáo sư Vũ Hà Văn. |
Giáo sư Vũ Hà Văn chỉ là một trong nhiều giáo sư và nhà khoa học cùng tham gia với Vingroup. Tập đoàn này cũng đã thành lập hội đồng khoa học mà nhiều giáo sư đã nhận lời tham gia như: Giáo sư Dương Nguyên Vũ (Air traffic control, AI, NTU, Singapore), Giáo sư Ngô Bảo Châu (Mathematics, U. Chicago), Giáo sư Phan Dương Hiệu (Cryptography, U. Limoges, France), Giáo sư Trần Duy Trác (Electrical Engineering, Machine Learning, AI, John Hopkins), Giáo sư Đỗ Ngọc Minh (Electrical Engineering, Machine Learning, AI, UIUC), Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (BioChemistry, UC Santa Barbara)...
Theo ông Vượng, lý do khiến những nhân tài Việt Nam trở về không phải vì tiền, bởi lương Vingroup trả ban đầu có trường hợp còn thấp hơn so với những gì họ nhận ở nước ngoài. Họ trở về vì được cống hiến, được ghi nhận chính danh thay vì làm được rất nhiều thứ nhưng đều phải đứng dưới tên của người nước ngoài.
Nhân viên phải học mọi lúc, mọi nơi, ở mọi người
Triết lý của ông Vượng coi mỗi nhân sự là một đại sứ của công ty, mỗi nhân viên phải thể hiện bản thân ở mọi lúc mọi nơi, nhân viên đang làm việc cho cả một hệ thống và là đại diện cho cả một hệ thống, là hình ảnh của cả hệ thống. Khi lãnh đạo truyền cho họ tinh thần đó để họ phải nhận biết được điều đó và thực hiện tốt trong công việc hằng ngày.
Chính vì mỗi nhân viên là một đại sứ nên việc trao dồi kiến thức, cũng như tinh thần, trách nhiệm làm việc được Vingroup rất coi trọng. Ở Vingroup đối với các cán bộ lãnh đạo, phải đào tạo cấp dưới 52 giờ/năm, nhân viên 1 năm phải đào tạo 100 giờ.
Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân sự: “Nghĩa là học mọi lúc, mọi nơi, ở mọi người. Phần đào tạo về học tập dường như trở thành quốc sách, đòi hỏi đầu tiên. Đầu tư vào đào tạo nhân viên cũng là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong cách quản lý nhân sự của Google và các tập đoàn lớn trên thế giới".