Công - tội phân minh
Trong các vụ đại án được đưa ra xét xử gần đây, chuyện luận công - tội của các bị cáo luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều bị cáo khi khai báo trước tòa đều kể lể, liệt kê công lao, thành tích trong quá trình công tác và mong tòa xem xét giảm án.
Tại phiên toà xét xử đại án “Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan”, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã liệt kê một loạt huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại để mong được hưởng lượng khoan hồng của luật pháp. Ông Long còn được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế và hơn 140 đồng nghiệp, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, gửi công văn, đơn từ xin giảm án.
Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cơ quan công tố nhận định đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới can thiệp, giúp Công ty Việt Á trong quá trình cấp phép cũng như hiệp thương giá sản phẩm; gợi ý, đề nghị tổng giám đốc Việt Á chi số tiền đặc biệt lớn cho mình.
Vậy thì làm sao tin được 2,25 triệu USD cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận từ Phan Quốc Việt là "không yêu cầu, đòi hỏi", là “quà cảm ơn” và “rất công tâm”?
Làm sao tin được cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận trực tiếp từ ông chủ Việt Á cái túi đựng 200 ngàn USD mà không mảy may nghi ngờ, đến nỗi quên lãng trong góc phòng làm việc cả tháng trời, và bây giờ vật chứng ấy đã không cánh mà bay để rồi nay ông than thở trước tòa "Đau xót vì chưa có dịp trả lại 200.000 USD cho Việt Á"?
Nếu ông Ngọc Anh liêm chính thì làm gì mà không biết cái túi 200.000 USD vì nó có phải giấy lộn đâu.
Trong phần luận tội vụ Việt Á, Viện Kiểm sát nhận định trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch, một bộ phận cán bộ cấp cao tại một số bộ ngành và địa phương đã thông đồng với doanh nghiệp tạo thành lợi ích nhóm và hưởng lợi.
Họ dám làm điều bất chính dù biết rất rõ là vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ nhưng khi mọi việc đổ bể, các vị lại không dám chịu, không thực tâm nhận lấy trách nhiệm trước sai phạm tày đình do mình gây ra.
Trước đó, tại phiên tòa cấp phúc thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” cuối tháng 12/2023, bị cáo Tô Anh Dũng, Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể lể thành tích công tác, các loại bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương, thư cảm ơn của các tổ chức từ thiện. Thậm chí, bị cáo này còn liệt kê cả thành tích, bằng khen, chiến sỹ thi đua của… vợ mình.
Tại phiên phúc thẩm vụ án "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, ông Nguyễn Đức Chung, Cựu Chủ tịch Hà Nội, trưng ra gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương và cả… bệnh án.
Trong vụ án buôn lậu xăng dầu, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) sau khi trần tình về các thành tích trong chiến đấu, công tác cũng đã trưng ra rất nhiều bằng khen, huân chương, huy chương, với 29 lần khen thưởng.
Có nhiều vụ án mà nhiều bị cáo đã kể lể dài dòng thành tích như bằng khen, giấy khen… trong nỗ lực làm giảm nhẹ tội lỗi.
Nhưng rõ ràng, công - tội là phân minh. Thậm chí, với những bằng khen, giấy khen từng đạt được trông công việc, trong sự nghiệp, họ đã chứng tỏ suy thoái khi phạm tội.
Các vụ án được đưa ra xét xử gần đây đều là đại án. Theo cáo buộc, tội của các bị cáo, nhất là những người từng là cán bộ lãnh đạo, là rất nghiêm trọng, gây tác hại to lớn cho đất nước và nhân dân. Các bị cáo phạm tội đều có chủ đích, có quá trình, không phải nhất thời gây ra.
Thế cho nên việc các vị vô tư liệt kê thành tích, giấy khen, là cố tình nhập nhèm công - tội trước tòa.
Nói một cách sòng phẳng, với những công lao, thành tích, đóng góp và các huân huy chương đó, họ đã từng được hưởng không dưới một lần bằng tinh thần, vật chất và cả đặc quyền đặc lợi trong quá trình công tác như đề bạt, thăng chức, nâng lương…
Bây giờ, sau khi phạm trọng tội, gây hại cho đất nước, làm nhức nhối dư luận, các vị lại còn đòi được ân hưởng lần nữa để được giảm án mà không chút hổ thẹn với lương tâm, với Nhà nước và với Nhân dân sao?
Vụ Việt Á: Lời sau cùng xót xa của cựu Bộ trưởng Y tế
Xét xử vụ Việt Á: Đại diện VKS nhắc đến tin nhắn ‘đếm tiền mòn vân tay’