Du ngoạn

Công trình biểu tượng của Thủ đô được in trên vé tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, người Hà Nội chưa chắc đã biết hết ý nghĩa, có cả Luật quy định

Thùy Dung 10/08/2024 22:09

Từ năm 1999 đến nay, nơi đây đã được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô.

Khi nhắc đến biểu tượng của Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình lịch sử và di tích gắn liền với thời gian như Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà Hát Lớn, Chùa Một Cột, hay Cầu Thê Húc... Tuy nhiên, ít ai biết rằng Khuê Văn Các mới chính là biểu tượng đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong Điều 6 của Luật Thủ đô năm 2012 nêu rõ: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.” Trong khi đó, báo Hà Nội Mới cho biết từ năm 1999 đến nay, Khuê Văn Các đã được UBND Thành phố Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô.

Khuê Văn Các - hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Internet

Khuê Văn Các - hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Internet

Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805, là một trong năm cổng chính chia khu nội tự của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành các không gian khác nhau. Nằm ở lớp không gian thứ hai - khu Thành Đạt, giữa cổng Đại Trung và Đại Thành, Khuê Văn Các nổi bật với kiến trúc tinh xảo. Phần gác trung tâm của cổng có bốn mặt vách, mỗi mặt đều có cửa hình tròn với tám tiếp điểm là những đường gỗ nối dài, tạo nên nét đẹp thanh thoát và trang nhã.

Nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phát triển văn hóa của Việt Nam. Ngày xưa, đây là nơi các sĩ tử xuất sắc được tập trung để thảo luận và đánh giá những bài văn hay trong các kỳ thi hội, thể hiện tinh thần trọng học và tôn vinh tri thức của dân tộc.

Hình ảnh Khuê Văn Các xuất hiện trên mặt tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Ảnh: Infonet

Hình ảnh Khuê Văn Các xuất hiện trên mặt tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Ảnh: Infonet

Nói một cách hình tượng, Khuê Văn Các hiện lên như một ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời, tỏa ra những tia sáng rực rỡ, mang ý nghĩa tập trung tinh hoa của đất trời và hội tụ tri thức của con người. Đây chính là biểu tượng đỉnh cao của trí tuệ, khẳng định chân lý: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia," được khắc ghi trên văn bia tại Văn Miếu.

Khuê Văn Các là một công trình kiến trúc độc đáo với thiết kế lầu vuông 8 mái, gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ, dựng trên nền vuông lát gạch Bát Tràng, cao hơn mặt đất khoảng 1m. Tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng, mái cũng gồm hai tầng và được lợp ngói ống. Bốn cạnh gác được chạm trổ tinh xảo với diềm gỗ, bao quanh là lan can hình con tiện. Đặc biệt, mỗi mặt của gác đều có một cửa sổ tròn với các thanh gỗ tỏa ra bốn phía, tượng trưng cho tia sáng từ ngôi sao Khuê.

Khuê Văn Các trên lan can hồ Tây. Ảnh: Internet

Khuê Văn Các trên lan can hồ Tây. Ảnh: Internet

Tựu chung lại, Khuê Văn Các không chỉ là biểu tượng cho khát vọng tri thức và sự phát triển của con người, mà còn phản ánh tư duy, ước vọng của người xưa, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại ngày nay. (Chuyển dẫn theo Đức Huy, “Vằng vặc sao Khuê”). Ngoài ra, công trình này còn được thiết kế theo lối kiến trúc tam quan truyền thống, với hai cổng Bí Văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa) và Súc Văn (văn chương hàm súc, ý nghĩa).

Hình ảnh biển tên đường có in biểu tượng Khuê Văn Các. Ảnh: Internet

Hình ảnh biển tên đường có in biểu tượng Khuê Văn Các. Ảnh: Internet

Ngày nay, hình ảnh của Khuê Văn Các đã trở nên quen thuộc và gắn bó với đời sống thường nhật, đặc biệt là đối với cư dân Hà Nội. Biểu tượng của một nền văn hiến lâu đời này hiện diện không chỉ trong nhiều công trình kiến trúc tại Thủ đô mà còn trên lan can, biển tên đường, và trong logo của nhiều đơn vị, tổ chức. Đặc biệt, Khuê Văn Các còn xuất hiện trên mặt tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, khiến hình ảnh này càng trở nên gần gũi và thân thuộc hơn.

Gần đây, hình ảnh của Khuê Văn Các lại gây sốt mạng xã hội khi xuất hiện trên mặt vé của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Chiếc vé "rất Hà Nội" này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên mạng, với nhiều người trẻ chụp ảnh check-in và ca ngợi thiết kế tinh tế, nhỏ gọn nhưng đậm chất Hà Nội.

Khuê Văn Các gây sốt mạng xã hội khi xuất hiện trên mặt vé của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Internet

Khuê Văn Các gây sốt mạng xã hội khi xuất hiện trên mặt vé của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Ban quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, vé lượt tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế dưới dạng token hình tròn, nổi bật với hình ảnh Khuê Văn Các - biểu tượng đặc trưng của Hà Nội. Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết yêu cầu kỹ thuật cơ bản của thẻ token chỉ là hình tròn với màu sẫm, trong khi hình ảnh trên thẻ được Trung tâm nghiên cứu và thiết kế sao cho phù hợp với hình ảnh của thành phố.

>> Công nghệ hiện đại bậc nhất Việt Nam dưới đường hầm của tòa nhà 5.500 tỷ đồng đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất

Toà nhà 1 tỷ USD từng cao nhất Việt Nam: Công trình biểu tượng được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Kiến trúc sư người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, từng thiết kế Dinh Độc Lập và hàng loạt công trình biểu tượng trên khắp đất nước

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-trinh-bieu-tuong-cua-thu-do-duoc-in-tren-ve-tau-dien-nhon--ga-ha-noi-nguoi-ha-noi-chua-chac-da-biet-het-y-nghia-co-ca-luat-quy-dinh-d130145.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Công trình biểu tượng của Thủ đô được in trên vé tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, người Hà Nội chưa chắc đã biết hết ý nghĩa, có cả Luật quy định
POWERED BY ONECMS & INTECH