Loạt hình 'nhuốm màu thời gian' của công trình lịch sử mang tính biểu tượng giữa lòng Thủ đô
Công trình tọa lạc tại vị trí đắc địa giữa lòng Hà Nội và giữ vai trò là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Thủ đô.
Khi đặt chân đến Hà Nội năm 1883, chính quyền Thực dân Pháp đã có ý định xây dựng 1 khu trung tâm văn hóa - nghệ thuật tại đây. Năm 1901, Nhà hát Lớn Hà Nội đi vào khởi công và 10 năm sau công trình được khánh thành.
![]() |
![]() |
Nhà hát Lớn Hà Nội những năm 1920 |
![]() |
Phòng gương Nhà hát Lớn Hà Nội những năm 1920 |
Trước khi xây dựng, khu đất xây dựng nhà hát Lớn Hà Nội trước kia là một vùng đầm lầy thuộc hai làng Thạch Tần và Tây Luông, huyện Thọ Xương. Năm 1899, hội đồng thành phố nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Richard, Công sứ Hà Nội đề nghị lên toàn quyền Fourer cho xây nhà hát. Công trình ở thời điểm xây dựng có diện tích 2600m2, chiều dài 87m, rộng 30m, điểm cao nhất so với mặt đường là 34m. Mặt trước rất bề thế, có nhiều bậc trông ra quảng trường Cách mạng tháng 8.
![]() |
Năm 1930 |
Thiết kế của Nhà hát Lớn Hà Nội được tham khảo theo lối kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory và nhà hát Opera Paris để từ đây tạo ra một khối kiến trúc riêng biệt. Bên trong nhà hát trước đây có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, ngày đó chứa được 870 chỗ ngồi, ghế ngồi bọc da, một số bọc bằng nhung.
Tầng giữa có nhiều phòng nhỏ dành cho khán giả có vé riêng. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng, cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Phía sau nhà hát là một phòng quản trị với 18 buồng cho diễn viên hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và phòng họp. Phía mặt trước trên tầng 2 là phòng gương rất lộng lẫy.
![]() |
Năm 1955 |
Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới được đưa vào sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói… phục vụ cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Sau này, nơi đây cũng trở thành công trình có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng, là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà hát Lớn và quảng trường nhà hát chính là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
>> Bước đầu tiên của dự án hơn 360.000 tỷ xây dựng hệ thống ga đường sắt đầu mối TP. Hà Nội
![]() |
Bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1993 |
Sau năm 1945, nơi đây trở thành địa điểm hội họp của Quốc hội, Chính phủ và là nơi diễn ra những cuộc duyệt binh của Quân đội. Cùng với sự hình thành của tầng lớp thị dân Hà thành và trí thức mới, nhà hát đã trở thành nơi sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi của giới văn nghệ sĩ Việt Nam thời bấy giờ.
Đến cuối thế kỷ 20, Nhà hát Lớn Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Khi đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho trùng tu công trình và thực hiện trong giai đoạn 1995-1997. Đây cũng là lần trùng tu nhà hát đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay.
![]() |
Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay. Ảnh: Internet |
Ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những nhà hát có quy mô lớn nhất Việt Nam, tọa lạc tại số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây thường xuyên diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm và cũng là địa điểm hút khách du lịch khi đặt chân đến Hà Nội. Là điểm đến mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một trong những biểu tượng mang tính lịch sử và là điểm đến không thể bỏ lỡ du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô.
Ảnh: Đại Nam Phục Ảnh
>> Choáng ngợp trước quy mô 'khủng' của 'sân vận động 5 sao' diễn ra trận chung kết EURO 2024