Công ty BĐS có Chủ tịch mới bị khởi tố vì thao túng chứng khoán bất ngờ báo lỗ kỷ lục, vượt cả vốn hóa thị trường
Lợi nhuận hơn 1 thập kỷ tích góp của Đầu tư tài sản Koji (KPF) "tan thành mây khói" chỉ sau 1 quý - thời điểm Chủ tịch Nguyễn Khánh Toàn vướng vòng lao lý vì thao túng chứng khoán.
Quý II/2024, CTCP Đầu tư tài sản Koji (HoSE: KPF) "trắng doanh thu" từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Công ty có khoản thu nhập 8,9 tỷ đồng từ hoạt động tài chính (-49% svck), nhưng phát sinh 290,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (gấp 342 lần cùng kỳ).
Từ đó, doanh nghiệp báo lỗ 282 tỷ đồng, kỷ lục kể từ khi hoạt động. Thời điểm ngày 19/7, vốn hóa Koji là 182,6 tỷ đồng. Mức lỗ này cao gấp 1,5 lần vốn hóa.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Koji lỗ ròng 281,9 tỷ đồng. Lợi nhuận hơn 1 thập kỷ tích lũy "tan thành mây khói".
Nguồn: Tổng hợp |
Trước đó, vào ngày 2/5, Nguyễn Khánh Toàn - Chủ tịch HĐQT Koji bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".
Theo điều tra ban đầu, Toàn cầm đầu 1 ổ nhóm chuyên tìm mua, chuyển nhượng lại các doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng có kết quả kinh doanh yếu kém mà cổ phiếu có thị giá thấp (hay gọi là "xác doanh nghiệp" trên sàn chứng khoán). Sau đó "make up" báo cáo tài chính, đẩy giá cổ phiếu để bán ra thu lợi bất chính.
Bất thường trong báo cáo tài chính
Sau vụ việc Nguyễn Khánh Toàn, Koji "bốc hơi" 1/3 tài sản chỉ trong quý II/2024. Cụ thể, ngày 31/3, quy mô tài sản của Koji là 806,7 tỷ đồng thì đến ngày 30/6 còn 525,2 tỷ đồng (giảm 281,5 tỷ đồng).
Điều này đến từ việc công ty bất ngờ trích lập dự phòng nợ xấu từ các khoản cho vay ngắn hạn và phải thu ngắn hạn số tiền 323,7 tỷ đồng, tăng 289,6 sau 1 quý. Tuy nhiên, Koji không thuyết minh cụ thể. Đây cũng là lý do khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, tạo nên khoản lỗ kể trên.
Koji bất ngờ trích lập dự phòng nợ xấu 323,8 tỷ đồng nhưng không thuyết minh |
Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2023, Kiểm toán viên đã có lưu ý về những bất thường của doanh nghiệp này. Chẳng hạn, việc Koji đầu tư 200 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Châu Việt nhưng không thể xác thực được tính chính xác của khoản đầu tư; hay cho vay 282,5 tỷ đồng và lãi vay phải thu là 40,6 tỷ đồng nhưng đã hết hạn thanh toán mà các bên chưa trả nợ... Khi được yêu cầu giải thích, công ty chỉ đưa ra các lý do tạm bợ chứ không cụ thể.
Hiện tại, KPF đang lưu hành 60,9 triệu cổ phiếu và thị giá ở ngày 19/7 là 3.000 đồng/cp (vùng đáy lịch sử), vốn hóa công ty đạt 182 tỷ đồng. Cổ phiếu này từng lập đỉnh 27.350 đồng/cp vào đầu năm 2018, vốn hóa khi ấy là gần 1.750 tỷ đồng.
Về phía Nguyễn Khánh Toàn, ông này đã xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT vào ngày 27/5 và bán hết số cổ phiếu KPF sở hữu 1 tháng trước đó.
>> Koji (KPF) thay đổi ra sao dưới thời 'Chuyên gia làm đẹp báo cáo tài chính’ Nguyễn Khánh Toàn