Koji (KPF) thay đổi ra sao dưới thời 'Chuyên gia làm đẹp báo cáo tài chính’ Nguyễn Khánh Toàn
Dưới thời Chủ tịch Nguyễn Khánh Toàn, Koji (KPF) bị bán rẻ tài sản và "mập mờ" ở các khoản đầu tư. Ông Toàn còn muốn đưa công ty này vào rổ VN30.
Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" vào ngày 2/5, Nguyễn Khánh Toàn đã viết đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài sản Koji (HoSE: KPF).
Theo điều tra ban đầu, Toàn cầm đầu 1 ổ nhóm chuyên tìm mua, chuyển nhượng lại các doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng có kết quả kinh doanh yếu kém mà cổ phiếu có thị giá thấp (hay gọi là "xác doanh nghiệp" trên sàn chứng khoán) sau đó "làm đẹp" báo cáo tài chính và "thổi" giá cổ phiếu rồi bán ra kiếm lời.
Toàn làm Chủ tịch HĐQT Koji từ tháng 8/2023, trước đó đã có 4 người đảm nhiệm vị trí này trong giai đoạn năm 2021 - 2023 rồi rời đi.
Ông Toàn muốn đưa Koji vào VN30 và học hỏi theo Vingroup |
Nhiều yếu tố bất thường trong báo cáo tài chính
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Koji là 806,3 tỷ đồng, tăng 2,4 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Công ty chỉ còn 1,7 tỷ đồng tiền mặt, phần lớn tài sản nằm ở khoản phải thu là 321,1 tỷ đồng (chiếm 39,8%) và đầu tư tài chính dài hạn 483,6 tỷ đồng (chiếm 60%). Cơ sở vật chất của Koji chỉ có giá trị 18,5 triệu đồng và tổng số nhân sự là 4 người.
Đáng lưu ý, dưới thời ông Toàn, Koji có nhiều khoản tài sản "mập mờ" khiến Kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Lý giải về vấn đề này, công ty cũng không đưa ra được dẫn chứng chưa đủ thuyết phục.
Thứ nhất, tài sản bị bán rẻ. Trong năm, công ty có chuyển nhượng 400 trái phiếu có tổng giá trị 4 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn cho CTCP PAC Quốc Tế (cổ đông lớn nhất của Koji) với giá 1 tỷ đồng, chấp nhận thua lỗ 3 tỷ đồng. Giải thích vấn đề này, Koji cho rằng việc lỗ 3 tỷ không ảnh hưởng nhiều tới công ty nhưng không nêu lý do tại sao bán rẻ.
Thứ hai, khoản đầu tư chưa xác định. Trong kỳ, Koji ghi nhận mới khoản đầu tư 200 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Châu Việt và trích lập dự phòng 150,5 triệu đồng. Kiểm toán viên không thể xác thực được tính chính xác của khoản đầu tư do phía Châu Việt chưa lập kiểm toán. Koji phản hồi khoản đầu tư này chưa có thay đổi gì đặc biệt.
Thứ ba, khoản cho vay khó đòi. Tổng dư nợ cho vay của Koji là 282,5 tỷ đồng và lãi vay phải thu là 40,6 tỷ đồng nhưng đã hết hạn thanh toán mà các bên chưa trả nợ. Koji nói rằng do kinh tế khó khăn nên đối tác chưa đảm bảo tiến độ hợp đồng.
Ngoài ra, ngày 25/8/2023, Koji bị Cục thuế TP. HCM cưỡng chế 10,9 tỷ đồng tiền thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn và đến ngày 31/12/2023, phía Koji vẫn chưa hoàn trả khoản nợ đọng này.
Nguồn: Tổng hợp |
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Koji mang về doanh thu 1 tỷ đồng, thu nhập tài chính 42 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng phải thu khó đòi là 34,2 tỷ đồng, công ty lãi ròng 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với các năm trước. Tuy luôn ghi nhận lãi lớn nhưng nhưng doanh nghiệp thường không để tiền lại mà phân bổ luôn vào các khoản đầu tư, cho vay.
Trên thị trường, phiên giao dịch sáng ngày 24/6, cổ phiếu KPF có thị giá quanh 3.150 đồng, vốn hóa công ty còn 192 tỷ đồng, bằng 24% giá trị sổ sách. Cổ phiếu này đã giảm 41% trong năm 2024 và gần 90% so với mức đỉnh năm 2018.