Công ty chứng khoán đánh giá xu hướng giao dịch đang cho thấy trạng thái phân hóa của nhà đầu tư cũng như sự đấu tranh giữa lực mua và lực bán.
Nhận định chứng khoán ngày 12/5
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS): Nhịp phục hồi sẽ diễn ra với các phiên tăng giảm đan xen, kèm với sự phân hóa
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index có diễn biến rung lắc tích lũy quanh khu vực kháng cự 1.060 điểm. Xét về khung đồ thị ngày, tuy VN-Index kết phiên hình thành nến đỏ giảm điểm nhưng vẫn đang có diễn biến khá tích cực khi tích lũy trong biên độ hẹp trên đường trung bình động MA20.
Bên cạnh đó, đường trung bình động này cũng đang dần bẻ ngang và dần hướng lên trở lại. Tuy đường chỉ báo sức mạnh xu hướng DI+ đang ở mức cao, nhưng chỉ báo ADX vẫn đang nằm ở vùng 15 cho thấy nhịp phục hồi sẽ diễn ra với các phiên tăng giảm đan xen, kèm với sự phân hóa.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức dưới 40% tài khoản và chỉ gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút được lực cầu tốt.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi thêm từ 3-5 phiên tới để thị trường xác nhận rõ xu hướng thay vì giải ngân sớm đối với những cổ phiếu vẫn đang nằm trong vùng tích lũy.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Sự hình thành của một nhịp đi ngang kéo dài hơn 3 tháng đang dần tạo ra nhiều rủi ro hơn là cơ hội
Ngưỡng kháng cự gần quanh 1.070 (+/-5) điểm đã cho phản ứng sớm và cản trở đà tăng của chỉ số VN-Index.
Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn đang để ngỏ nhưng hiện VN-Index đang vận động ở điểm chính giữa của dải đi ngang và điều này khiến xu hướng ngắn hạn trở nên rất trung tính.
Với xu hướng giảm trong trung hạn vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, sự hình thành của một nhịp đi ngang kéo dài hơn 3 tháng đang dần tạo ra nhiều rủi ro hơn là cơ hội.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm rút ra, đứng ngoài thị trường hoặc chỉ tham gia trading (mua hỗ trợ, bán kháng cự) với một tỷ trọng thấp.
Công ty chứng khoán BIDV (BSC): VN-Index vẫn đang trong thời điểm xác định xu hướng vận động
Thị trường tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp và kết phiên với mức giảm 1,14 điểm. Độ rộng nghiêng về phía tích cực với 11/19 ngành tăng điểm, dẫn đầu đà tăng là ngành y tế, xây dựng và vật liệu.
Hiện tại, xu hướng giao dịch đang cho thấy trạng thái phân hóa của nhà đầu tư cũng như sự đấu tranh giữa lực mua và lực bán.
VN-Index vẫn đang trong thời điểm xác định xu hướng vận động và chưa có tín hiệu rõ ràng khi thị trường đang chờ đợi thông tin về kỳ họp quốc hội tháng 5 (22/5-10/6).
Nhận định phái sinh ngày 12/5
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): VN30F2305 sẽ khó vượt 1.055 điểm
VN30F2305 ở khung 30 phút đang có sự suy yếu khi dải Bollinger Bands đi ngang trở lại. Đồng thời, ngưỡng 1.055 điểm đang là kháng cự cho giá tương ứng mức Fibo Retracement 50%. Theo mẫu hình sóng Elliott, giá cũng đang ở sóng 4 của nhịp tăng từ 1.030 điểm nên sẽ có nhịp tăng ở sóng 5. Nói cách khác, VN30F2305 sẽ khó vượt 1.055 điểm và điều chỉnh trở lại trong phiên ngày mai.
Trên khung Daily, xu hướng ngắn hạn duy trì ở mức tăng nhưng giá đang xuất hiện mẫu hình nến Doji Star. Chiến lược Bán (Short) xem xét tại 1.053 - 1.055 điểm, hoặc khi giá thủng 1.050 điểm, dừng lỗ 1.058 và chốt lời 1.043 điểm.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Xu hướng ngắn hạn trở nên rất trung tính
Sau nhịp tăng điểm hưng phấn đầu phiên, F1 dần hạ độ cao và diễn biến giằng co về cuối phiên. Ngưỡng kháng cự gần quanh 1.060 (+-5) đã cho phản ứng sớm và khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên.
Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn đang để ngỏ nhưng hiện F1 đang vận động ở điểm chính giữa của dải đi ngang và điều này khiến xu hướng ngắn hạn trở nên rất trung tính. Chiến lược giao dịch trong phiên là linh hoạt trading hai chiều, Mua (Long) tại hỗ trợ Bán (Short) tại kháng cự.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Hàng loạt công ty chứng khoán cấp margin cho cổ phiếu của FECON (FCN)
Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam