Công ty liên quan ca sĩ Khánh Phương nợ lương, giám đốc xin nghỉ việc
Nợ lương nhân viên, giám đốc điều hành của công ty liên quan tới ca sĩ Khánh Phương bất ngờ xin nghỉ việc.
CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) vừa công bố thông tin ông Lê Hà Phương, Giám đốc điều hành thôi giữ chức vụ này từ 1/8, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với công ty.
Lý do đưa ra là Sông Đà 1.01 vi phạm hợp đồng lao động, không thanh toán đầy đủ lương cho ông Phương kể từ ngày ký hợp đồng đến nay.
Trong đơn, ông Phương đề nghị Sông Đà 1.01 cử cán bộ tiếp nhận bàn giao công việc, thanh toán toàn bộ tiền lương trước ngày 15/8, đăng tải thông tin công bố theo quy định của pháp luật đối với công ty niêm yết.
Trước đó ngày 3/5, ông Phương được bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, Sông Đà 1.01 cũng có văn bản thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 2 vào ngày 27/8 với lý do HĐQT yêu cầu bổ sung thêm nội dung kinh doanh.
Công ty đang tiến hành xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động để HĐQT họp thống nhất. Thời gian cụ thể tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023 chưa được công bố.
Ở một diễn biến khác, mới đây ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương), Ủy viên HĐQT Sông Đà 1.01 (SJC) đăng ký bán toàn bộ 908.576 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 13,1%). Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 7-31/8, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Tương tự, CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang do bà Vũ Thị Thúy (vợ ông Khánh Phương) làm Chủ tịch muốn thoái sạch vốn tại SJC khi đăng ký bán hơn 958.000 cổ phiếu trong thời gian từ 11-31/8, nhằm tái cấu trúc hạng mục đầu tư, thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* MWG: Trong 7 tháng đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 66.490 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và hoàn thành 49% so với kế hoạch doanh thu năm 2023 là 135.000 tỷ đồng.
* PHR: CTCP Cao su Phước Hòa chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt cuối năm 2022 là 8/9, ngày đăng ký cuối cùng là 11/9. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 19,5%, thanh toán bắt đầu từ ngày 25/12.
* C4G: CTCP Tập đoàn Cienco 4 thông báo ngày đăng ký cuối để nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu là 31/8. Công ty dự kiến phát hành hơn 20,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 100:6. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 20,2 tỷ đồng.
* NCT: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo không tổ chức phiên đấu giá cổ phần của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài do CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (Nasco) sở hữu vào ngày 25/8.
Thông tin giao dịch
* APG: Ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán APG đã mua vào hơn 731.000 cổ phiếu từ ngày 10/8-21/8.
* AAV: Ông Phạm Đức Văn, cổ đông lớn của CTCP AAV Group đã bán ra 480.000 cổ phiếu AAV trong ngày 16/8. Ông Văn còn sở hữu hơn 3,69 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,36%.
* PHC: Bà Đỗ Thị Hạnh Dung, vợ ông Trần Huy Tưởng, Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng Phục Hưng đăng ký bán 300.000 cổ phiếu từ ngày 29/8-27/9 theo phương thức thỏa thuận.
* KDM: Ông Nguyễn Đình Hùng, bố vợ ông Phạm Thanh Dũng, Ủy viên HĐQT CTCP Tập đoàn GCL đăng ký bán toàn bộ hơn 524.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 24/8- 22/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* PJT: Ông Ngô Anh Dũng, Ủy viên HĐQT CTCP Vận tải xăng dầu Đường thủy Petrolimex đăng ký bán 1,33 triệu cổ phiếu từ ngày 29/8-26/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Chốt phiên 23/8, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%), xuống 1.172,56. HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,66%), xuống 238,07 điểm. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%), xuống 89,39 điểm.
Nhận định thị trường phiên giao dịch 24/8, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro trong giai đoạn này cũng như tuân thủ kỷ luật đầu tư với các ngưỡng chốt lời/cắt lỗ được khuyến nghị ở khoảng 5-7%.
Mặt khác, việc thị trường ghi nhận diễn biến phân hóa cho thấy, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn ở các cổ phiếu mới bắt đầu giai đoạn tăng giá, sau khi đã có một giai đoạn tích lũy chặt chẽ tạo nền trước đó.
Mặc dù vậy, tỷ trọng giải ngân mới trong giai đoạn này không nên quá cao để đề phòng ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung, trong trường hợp xu hướng giảm bất ngờ quay trở lại trong những phiên tới.
Còn theo SHS, trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục rung lắc kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.150-1.170 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng thấp và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường.
Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại. Trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng có thể giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh, mục tiêu trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Tranh cãi phí quản lý tại Khu đô thị Vạn Phúc; thu hồi đất Công ty Trung Nguyên
Thêm 5 người bị tạm dừng giao dịch tài sản liên quan vụ án Công ty Nhật Nam