Bất động sản

Công ty nào góp mặt trong dự án cầu vượt biển 2.400 tỷ dài nhất miền Trung?

Hải Đăng 06/09/2024 14:09

Cầu vượt biển 2.400 tỷ dài nhất miền Trung được triển khai xây dựng với sự góp mặt của Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình.

Cầu vượt biển dài nhất miền Trung

Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa biển Thuận An giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm.

Cầu qua cửa biển Thuận An có chiều dài 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m, bề rộng cầu 20m và bề rộng nhịp cầu chính mặt cắt ngang mở rộng 23,5m do bố trí phần trụ tháp rộng 2,5m và dải an toàn hai bên.

Kết cấu phần trên cầu bao gồm các nhịp đúc trên đà giáo (8,3+4x12+8,3)m; 2 liên đúc hẫng (55+90+55)m; Nhịp chính Extradosed (120+218+120)m và 36 nhịp Super-T.

Kết cấu phần dưới mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép, trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 1,5m (2m đối với các trụ chính và trụ nhịp dầm Extradosed). Nhịp cầu chính Extradose tương ứng với khổ thông thuyền lớn nhất là 218m.

Phối cảnh cầu vượt biển Thuận An sau khi hoàn thành. Ảnh: Internet

Phối cảnh cầu vượt biển Thuận An sau khi hoàn thành. Ảnh: Internet

Cầu vượt biển được xây dựng tại xã Hải Dương và phường Thuận An, TP. Huế (Thừa Thiên - Huế), do BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Dự án cầu vượt biển Thuận An (TP. Huế) sau gần 30 tháng thi công đến nay đã hoàn thiện các hạng mục chính, lộ rõ hình hài và hiện đang chờ ngày hợp long nhịp dầm cuối cùng.

Đơn vị thi công hiện đã triển khai đạt hơn 70% khối lượng xây lắp và đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ để về đích vào cuối năm 2024.

Sau khi hoàn thành, cầu qua cửa biển Thuận An sẽ là cầu vượt biển dài nhất khu vực miền Trung.

>> Điểm nổi bật trong quy hoạch giúp TP duy nhất của tỉnh có vịnh biển đẹp nhất Việt Nam hưởng lợi lớn

Công ty nào đứng sau dự án?

Đơn vị nhà thầu thi công là Liên danh CTCP Xây dựng Tân Nam - CTCP Tập đoàn Đạt Phương - CTCP 479 Hòa Bình.

BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, CTCP Xây dựng Tân Nam - CTCP Tập đoàn Đạt Phương là các nhà thầu thi công các trụ chính từ T26 đến T28 qua cửa biển Thuận An với tổng chiều dài 458m bằng phương pháp nhịp chính Extradosed và dây văng.

Những đơn vị này hiện đang nỗ lực thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) được thành lập từ năm 2002 và hiện đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, sản xuất, năng lượng; trong đó lĩnh vực xây dựng giữ vai trò mũi nhọn chủ đạo, đóng góp chính vào doanh thu của doanh nghiệp.

Trong vai trò liên danh và độc lập, vài năm trở lại đây, Tập đoàn Đạt Phương đã trúng nhiều gói thầu trị giá hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đã tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Thôn 3, cầu ông Điền, cầu Mỹ Thuận 2...

Các đơn vị thi công hiện đang đẩy nhanh tiến độ để tiến hành thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024. Ảnh: Báo Xây Dựng

Các đơn vị thi công hiện đang đẩy nhanh tiến độ để tiến hành thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024. Ảnh: Báo Xây Dựng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).

Tổng tài sản của doanh nghiệp này đến ngày 30/9/2023 đạt 6.257 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng Tân Nam được thành lập vào năm 2004, có trụ sở chính tại xã Nghi Phú (TP. Vinh, Nghệ An) do ông Trần Tử Đồng Khánh (sinh năm 1976) làm Giám đốc và ông Nguyễn Đình Thi (sinh năm 1976) làm Chủ tịch HĐQT.

Tân Nam đã góp mặt trong liên danh trúng nhiều gói thầu về giao thông trải dài từ Bắc - Nam như Gói thầu XL02 thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) với mức giá trúng thầu là 1.133,752 tỷ đồng); Gói thầu XL04 thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu với mức giá trúng thầu 1.139,53 tỷ đồng...

CTCP 479 Hòa Bình thuộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) là đơn vị chuyên ngành thi công cầu và cảng; được thành lập từ tháng 3/1979 với tên gọi Công trường 079 thuộc Cục Công trình I.

Năm 2023, CTCP 479 Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 635 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 6,9 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2022.

Năm 2023, doanh nghiệp này cũng trúng thầu các gói thầu: Gói thầu XL01: Thi công xây dựng đoạn Km568+200 - Km600+700 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) nằm trong Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (452 tỷ đồng); Gói thầu thi công xây dựng công trình đoạn từ Km19+00 - Cuối tuyến thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (363 tỷ đồng); Gói thầu (số 11): Xây lắp và thiết bị của dự án thành phần 3 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (536 tỷ đồng)...

>> Tiền Giang sắp có cầu gần 7.000 tỷ mở ra cửa ngõ kết nối với tỉnh có chi phí sinh hoạt rẻ nhất Việt Nam

Doanh nghiệp bất động sản nào đang có hàng tồn kho lớn nhất hiện nay?

5 loại cây may mắn giá chỉ từ 350.000 đồng/cây: Trồng trước nhà giúp gia chủ đón phúc lộc quanh năm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-ty-nao-gop-mat-trong-du-an-cau-vuot-bien-2400-ty-dai-nhat-mien-trung-d132347.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công ty nào góp mặt trong dự án cầu vượt biển 2.400 tỷ dài nhất miền Trung?
    POWERED BY ONECMS & INTECH