Công ty Quản lý nợ của ACB “thất nghiệp” sau 20 năm thành lập, cả năm không phát sinh mua bán, doanh thu vỏn vẹn 3 triệu đồng

03-04-2024 09:21|Khởi Phong

Với mục đích quản lý nợ và khai thác tài sản, năm 2004, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thành lập Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (ACBA).

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Á Châu - ACB, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ACB (ACBA) không phát sinh mua bán tài sản trong năm 2023. Do đó, doanh thu và lợi nhuận ACBA đạt được chủ yếu từ lãi tiền gửi có kỳ hạn và hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.

Cụ thể, năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ACBA lần lượt đạt 3,376 triệu đồng và 1,064 triệu đồng.

ACBA đang là 1 trong 4 công ty con do ngân hàng ACB sở hữu 100% cùng với Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Quản lý quỹ ACB (ACBC), Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL).

ACBA ra đời năm 2004, hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên do ACB làm chủ sở hữu, đặt trụ sở chính tại TP. HCM. Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ACBA thời điểm đó cho biết, việc thành lập ra công ty này không những làm tăng hiệu quả hoạt động của ACB mà còn tiến đến việc mua và quản lý nợ cho các tổ chức tín dụng khác.

Sau này, trên thực tế, ACBA có nhiệm vụ chính là xử lý các khoản nợ xấu và nợ quá hạn nhận ủy thác từ ACB và tập trung vào kinh doanh tài sản từ xử lý nợ.

Từ khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nợ xấu các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm cũng còn cần nhiều cải thiện hơn, báo cáo của ACB cho biết.

Vào thời điểm 30/9/2012, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu lên tới 17,2% tổng dư nợ. Con số này gây chú ý đặc biệt bởi lần đầu tiên, nợ xấu được công khai và ở mức rất cao. Bởi vậy, vào tháng 5/2013, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi tắt là VAMC) với nhiệm vụ mua lại và xử lý nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.

Sau khi có VAMC, hoạt động xử lý nợ của các nhà băng đã được khơi thông hơn, đồng thời công ty xử lý nợ của ngân hàng cũng ít việc đi.

Công ty Quản lý nợ của ACB “thất nghiệp” sau 20 năm thành lập, cả năm không phát sinh mua bán, doanh thu vỏn vẹn 3 triệu đồng

Với ACBA, giao dịch những năm gần đây của đơn vị này rất hạn chế, không mua thêm mà mỗi năm chỉ bán tài sản mua từ những năm trước để xử lý nợ. Đã từng có giai đoạn dài, vốn điều lệ của ACBA ở mức 340 tỷ đồng, nhưng đã giảm mạnh về 5 tỷ đồng vào năm 2020 và giữ nguyên cho tới nay.

Trong năm 2022, ACBA chỉ bán một tài sản mua từ năm 2016 để xử lý nợ. Đến cuối năm này, ACBA còn đang quản lý 3 tài sản với tổng giá trị 201 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận đạt được chủ yếu từ việc bán tài sản.

Theo đó, doanh thu ACBA đạt 86,426 triệu đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 28,846 triệu đồng.

Bước sang năm 2023, ACBA cũng chỉ tập trung vào bán các tài sản từ xử lý nợ đã mua trước đó. Kế hoạch hoạt động năm 2024 của công ty là tập trung bán các tài sản đang quản lý để thu hồi vốn. Tính đến cuối năm ngoái, ACBA còn 3 tài sản đang quản lý với tổng giá trị 201 tỷ đồng.

>> 5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?

Điểm trùng hợp bất ngờ giữa 2 lần cổ phiếu Sacombank (STB) giao dịch đạt 100 triệu đơn vị, xô đổ kỷ lục thanh khoản: Tin đồn và ngày Cá tháng Tư

Chủ tịch VIB: Theo thời gian, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy sự khác biệt gữa ngân hàng bán lẻ và bán buôn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cong-ty-quan-ly-no-cua-acb-that-nghiep-sau-20-nam-thanh-lap-ca-nam-khong-phat-sinh-mua-ban-doanh-thu-von-ven-3-trieu-dong-229039.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công ty Quản lý nợ của ACB “thất nghiệp” sau 20 năm thành lập, cả năm không phát sinh mua bán, doanh thu vỏn vẹn 3 triệu đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH