Cột mốc mới cho quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ

28-06-2023 08:58|TRƯỜNG ĐẶNG

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia kiêm Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sỹ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 30/06/2023, mở ra triển vọng mới cho hợp tác sâu rộng giữa hai nước.

2022-23_nrp_martin_candinas_7l2a3079_16x9.jpg
Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sỹ, ông Martin Candinas, sang thăm Việt Nam từ 27-30/6/2023

Trong tiến trình phát triển của Việt Nam, chính phủ và nhân dân Thụy Sỹ luôn có những đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng. Đó có thể là nhà khoa học Alexandre Yersin, người đặt nền móng cho nền y học Việt Nam; hay Arthur Dunkel, nhà ngoại giao đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006.

Một cột mốc khác trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chuẩn bị diễn ra. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (tức Hạ viện) kiêm Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sỹ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 30/06/2023, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ.

Chuyến thăm nhiều ý nghĩa

Tại sự kiện này, phái đoàn Quốc hội Thụy Sỹ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Đây được đánh giá là cơ hội tuyệt vời để tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác của Thụy Sỹ với Việt Nam, đồng thời củng cố quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội hai nước.

Ngoài ra, chuyến thăm lần này còn là dịp để ông Martin Candinas và Đoàn đại biểu Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ hiểu thêm về những cơ hội hợp tác của doanh nghiệp Thụy Sỹ tại Việt Nam, hay những động lực tạo nên “sự phát triển kinh tế bùng nổ” của Việt Nam, như lời Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Thomas Gass chia sẻ.

Một nội dung đáng chú ý của phái đoàn Thụy Sỹ lần này là thúc đẩy hơn nữa thảo luận liên quan đến việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hiệp hội Mậu dịch châu Âu (EFTA).

Năm 2022, đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam đạt hơn 2 tỷ Franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương 51 nghìn tỷ đồng. Là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 21 và là một trong số các nhà đầu tư quan trọng của châu Âu tại Việt Nam, Thuỵ Sỹ đang có hơn 100 công ty hoạt động tại Việt Nam, với những cái tên nổi tiếng như Nestle, Novartis, ABB, Roche… Dự kiến, luồng đầu tư của Thụy Sỹ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Cũng giống như Quốc hội Việt Nam, Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ cũng giữ vai trò giám sát các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Martin Candinas và Đoàn đại biểu Hội đồng sẽ có cơ hội chứng kiến những kết quả đạt được từ gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 70 triệu Franc Thụy Sỹ (CHF) từ Chính phủ Thụy Sỹ cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

vna_potal_chu_tich_quoc_hoi_vuong_dinh_hue_tiep_dai_su_dac_menh_toan_quyen_lien_bang_thuy_si_tai_viet_nam_thomas_gass_stand.jpg
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ (phải) và Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass - Ảnh: TTXVN

Những trụ cột hợp tác trong tương lai

Theo Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Thomas Gass, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và phát triển tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới nhằm đạt được mục tiêu phát triển đầy tham vọng của nền kinh tế tuần hoàn.

Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực mà Thụy Sỹ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức liên quan.

Thứ nhất, liên quan tới tăng cường tính thống nhất, minh bạch và trách nhiệm giải trình của tài chính công: Tại đây, Việt Nam có thể học hỏi nâng cao năng lực lập kế hoạch chiến lược về chi tiêu, tăng cường tính ổn định và sức chống chịu của hệ thống tài khóa, đồng thời thúc đẩy tính bền vững và hiệu quả của chi tiêu và đầu tư công.

dagiay.jpeg
Việt Nam có cơ hội nâng cao chuỗi giá trị và xuất khẩu sang Thụy Sỹ

Thứ hai, nâng cao năng lực và hiện đại hóa khu vực tài chính và thị trường vốn của Việt Nam. Sự hỗ trợ của Thụy Sỹ sẽ góp phần nâng cao năng lực giám sát ngành tài chính, hiện đại hóa và và xanh hóa khu vực tài chính và thị trường vốn, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là các yếu tố có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển mạnh hơn, cải thiện kết quả kinh doanh, hiệu suất sử dụng tài nguyên và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, cũng như tạo điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế.

Cuối cùng, đó là tăng cường quy hoạch phát triển và khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của các đô thị. Thụy Sỹ sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực quy hoạch và quản lý đô thị, cũng như nâng cao khả năng chống chịu trước lũ lụt và thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ: Mở ra nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư

Nhiều tập đoàn lớn thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cot-moc-moi-cho-quan-he-viet-nam-thuy-sy-246431.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cột mốc mới cho quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH