Vì sao giá vật liệu xây dựng gần đây tăng bất thường?
Trong thời gian gần đây, giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng bất thường, đặc biệt là giá cát xây dựng và đá xây dựng. Trước tình hình này, đại diện Cục Thống kê đã lên tiếng giải thích.
Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố hôm qua 5/7, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.
Liên quan đến vấn đề giá VLXD tăng, Cục Thống kê cho biết kết quả khảo sát quý II/2025 đối với các doanh nghiệp xây dựng cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng phải đối mặt trong quý II là giá nguyên, VLXD tăng cao.
Theo thống kê của Cục Thống kê, có tới 57,2% số doanh nghiệp cho biết giá nguyên, VLXD tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỷ lệ này tăng tới 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025. Đây là mức tăng cao số kỷ lục trong các kỳ điều tra hàng quý gần đây.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện Cục Thống kê đánh giá nguyên nhân quan trọng khiến giá VLXD tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến khi đầu tư công dồn dập vào các dự án hạ tầng lớn (cao tốc, cảng, sân bay…). Trong khi nguồn cát và đá phục vụ xây dựng ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ, do tình trạng thiếu nguồn cung cấp: Mỏ hết hạn, bị gián đoạn khai thác, sạt lở… Điều này đã dẫn đến sự chênh lệch lớn về cung - cầu trên thị trường VLXD.
![]() |
Giá VLXD liên tục tăng trong thời gian gần đây - Ảnh: Internet |
Tuy vậy, đại diện Cục Thống kê khẳng định nguồn cung VLXD vẫn dồi dào, thể hiện ở chỉ số sản xuất các ngành sản xuất VLXD (sắt thép, xi măng, bê tông…) vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng của các doanh nghiệp và hộ dân cư.
Ngoài nhu cầu tiêu thụ tăng nóng, một nguyên nhân nữa làm giá VLXD tăng là do chi phí nguyên liệu đầu vào - năng lượng - vận chuyển tăng: Giá thép tăng nhẹ do giá phôi, quặng sắt thế giới tăng; Giá nhựa đường cũng tăng do xăng dầu tăng và chi phí vận chuyển tăng nhẹ. Đối với xi măng, dù giá tương đối ổn định trong tháng 6, nhưng chi phí nguyên liệu và điện than tăng khiến áp lực chi phí gia tăng.
Bên cạnh đó, tâm lý tích trữ hàng hóa tại một số đại lý, doanh nghiệp trung gian cũng góp phần đẩy giá vật liệu lên trong ngắn hạn.
Cục Thống kê nhận định, biến động giá VLXD ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Chi phí đầu vào tăng làm tăng tổng chi phí thi công, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hiệu quả tài chính của các hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định.
Chính vì vậy, nếu giá tăng cao trong thời gian dài làm chậm tiến độ thi công của các công trình, các chủ đầu tư, nhà thầu cần phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, tiến độ và công nghệ.
Doanh nghiệp nào dễ bị ‘ăn mòn’ biên lợi nhuận khi giá vật liệu xây dựng tăng sốc?
Thủ tướng ra công điện khẩn, siết chặt bình ổn giá vật liệu xây dựng