CTCK Top đầu công bố kết quả kinh doanh quý III/2024: Thị phần bốc hơi, biên lợi nhuận mất hút
Khác với Chứng khoán VNDirect, chọn phương án chấp nhận mất thị phần môi giới nhưng không đánh đổi biên lợi nhuận, MBS lại chứng kiến cảnh vừa mất thị phần vừa chứng kiến biên lãi mảng môi giới giảm sâu.
Chuỗi tăng trưởng lợi nhuận của MBS vừa kết thúc
CTCP Chứng khoán MB (MBS) vừa trở thành công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với kết quả khá khả quan. Trong kỳ này, MBS đạt 806 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước (YoY); lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8%.
Lũy kế 9 tháng, MBS ghi nhận doanh thu 2.363 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 578 tỷ đồng, lần lượt tăng 85% và 40% YoY, qua đó hoàn thành 85% và 77,7% kế hoạch cả năm.
Dù vậy, so với quý II, lợi nhuận quý III của MBS giảm 17%, ngắt chuỗi tăng trưởng dương kéo dài 6 quý liên tiếp trước đó. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trong vùng 1.180-1.300 điểm.
Quý vừa qua, MBS cho thấy sự tăng trưởng mạnh về doanh thu mảng tự doanh và cho vay, lần lượt tăng 10,9 lần và 1,4 lần YoY. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động môi giới lại giảm 38% YoY và 26% so với quý trước, chỉ còn gần 133 tỷ đồng, đánh dấu sự sụt giảm nghiêm trọng so với giai đoạn trước.
Nguồn: BCTC quý III/2024 của MBS |
MBS đang dịch chuyển trọng tâm kinh doanh?
Trong quý III/2023, môi giới là nguồn thu chủ lực, chiếm tỷ trọng 39,7% tổng doanh thu. Tuy nhiên, đến quý III/2024, tỷ trọng này giảm xuống chỉ còn 16,5%. Trong cùng thời điểm, thị phần môi giới của MBS trên HoSE cũng giảm từ 5,09% xuống 4,69%, trong khi thị phần trên sàn HNX chỉ cải thiện nhẹ từ 5,18% lên 5,39% (duy trì Top 5).
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán, MBS bị mất thị phần trên sàn lớn HoSE khiến doanh thu môi giới hụt hơi. Sự sụt giảm này đặt ra câu hỏi về chiến lược kinh doanh của MBS. Công ty có đang dần rời bỏ hoạt động môi giới, hướng đến chiến lược “zero fee” (miễn phí giao dịch) hay không, khi mà doanh thu từ các mảng tự doanh và cho vay đang trở thành nguồn thu chính?
Cơ cấu doanh thu của MBS giai đoạn quý II/2023 đến quý II/2024 |
Trên bảng cân đối kế toán, tài sản của MBS chủ yếu tập trung ở danh mục tự doanh (FVTPL) với 1.700 tỷ đồng, các khoản cho vay gần 9.900 tỷ đồng, tiền gửi gần 3.800 tỷ đồng và tài sản sẵn sàng để bán (AFS) 2.232 tỷ đồng. Các khoản mục này đều tăng mạnh so với đầu năm, sau khi công ty tăng vốn điều lệ thêm 25% (gần 1.400 tỷ đồng) và tăng nợ vay thêm gần 2.600 tỷ.
MBS ‘nổ phát súng’ KQKD quý III/2024 nhóm chứng khoán: Mảng tự doanh thắng lớn, tăng trưởng 1.000%
Sau HHV, GVR, BSR... thêm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III/2024