Cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè, "căn bệnh kinh niên" chưa hồi kết
Cứ đến những tháng cuối năm, hàng chục vỉa hè tại các tuyến phố Hà Nội lại trong tình trạng bị đào xới, bóc đá để cải tạo, lát lại vỉa hè. “Căn bệnh kinh niên” này năm nào cũng lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân, cũng như người dân tham gia giao thông.
Hiện tại, trên nhiều tuyến phố chính nội thành quận Cầu Giấy, Đống Đa,... vỉa hè bị lật lên để thay thế, ngập tràn phương tiện máy móc, vật liệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.
Từ giữa tháng 10, nhiều tuyến phố như Giảng Võ, Trần Thái Tông,... bắt đầu thi công, ngập đầy đất, đá gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các hàng, quán mặt đường.
Phía bên dãy chẵn phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy chiều dài 500 mét đã lật hết toàn bộ gạch cũ để thay mới.
Ông Đỗ Đức Hồng Quang - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, tuyến phố Trần Thái Tông được đưa vào cải tạo do vỉa hè xảy ra tình trạng hư hỏng nặng, xuống cấp.
Trên tuyến phố Giảng Võ thuộc địa bàn quận Đống Đa, nhiều công nhân đang thực hiện lát lại bó vỉa vàvỉa hè.
“Lúc đầu cứ nghĩ họ làm vài hôm, nhưng đào bới, lát đá đến mấy tuần rồi vỉa hè trước nhà vẫn nham nhở, bụi bặm. Cuối năm buôn bán mà vỉa hè bẩn thỉu nên khách hàng cũng không muốn vào, doanh thu sụt hẳn", anh Dũng, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Giảng Võ chia sẻ.
Ngoài ra, hệ thống đường dây điện trên những tuyến phố vẫn chưa được quy hoạch hạ ngầm. Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, tuyến phố đã hoàn thiện vấn đề này, đây chỉ là những bó cáp viễn thông không còn được sử dụng, sẽ xử lý loại bỏ trong thời gian sớm nhất.
Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng câu chuyện cứ cuối năm lại đào vỉa hè sửa chữa đã trở thành "vấn đề kinh niên" được dư luận, người dân phản ảnh nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn, khó có thể bố trí ngân sách đầu năm. Đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu... Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới bắt đầu thi công, đào đường.
Các chuyên gia đầu ngành khẳng định, cuối năm tuyệt đối không phù hợp để thực hiện “đào xới” vỉa hè. Nguyên do bởi trong thời gian này, nhu cầu giao thông và đi lại của người dân gia tăng, hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng nhộn nhịp và khởi sắc, việc lát lại vỉa hè chỉ gây thêm khó khăn cho người dân. Về mặt thời tiết, cuối thu đầu đông là khoảng thời gian có điều kiện thời tiết hanh khô, chỉ số không khí sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ bụi mặt đường, bụi các công trình thi công, nay lại thêm bụi từ hàng loạt công trình cải tạo vỉa hè.
Chưa kể đến việc đơn vị này vừa lát xong vỉa hè thì đơn vị khác lại đào lên để lắp đặt cáp viễn thông, điện... Sự bất hợp lý cho thấy lãng phí, tốn kém thời gian và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Nhà nước cần thực sự quan tâm và lên kế hoạch cụ thể, thẩm định kĩ càng trước khi thực hiện cải tạo lề đường những dịp cuối năm.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, các lãnh đạo chính quyền cần tìm giải pháp để sắp xếp ưu tiên những công trình quan trọng, hạn chế ảnh hưởng đến người dân trong dịp cuối năm. Kế hoạch sửa chữa, thi công cần được lên kế hoạch cụ thể, chính xác và dài hạn để có khả năng thẩm định, đánh giá tình trạng vỉa hè, cũng như khoảng thời gian phù hợp để thi công.
Đất nền ven đô 'hạ đỉnh' 50% rao bán ồ ạt, xuống tiền thời điểm này liệu có được giá hời?