Xã hội

"Cú đấm thép" với "ma men" tham gia giao thông

Phạm Công 01/07/2024 - 07:59

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được ví như “cú đấm thép” đối với các tài xế uống rượu, bia.

Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy sự mạnh tay của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong việc xử lý "ma men" tham gia giao thông bước đầu đã tạo tác dụng răn đe vi phạm, được dư luận đánh giá cao, mang đến hiệu ứng tích cực.

Dần hình thành thói quen

Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng này đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp và 31,4 trường hợp xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Hải Linh
Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Hải Linh

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của lực lượng CSGT Thủ đô. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT và Công an TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2024, Phòng CSGT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trọng tâm, trong đó vi phạm nồng độ cồn là một trong các nhóm hành vi được lực lượng CSGT tập trung xử lý quyết liệt”.

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian vừa qua đã được các cấp, các ngành và Nhân dân đánh giá cao, đi sâu vào cuộc sống từng hộ gia đình. Giải quyết được tình trạng có nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tai nạn mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 nguyên nhân cơ bản gây tai nạn giao thông. Do vậy, lực lượng CSGT đã rốt ráo xử lý hành vi vi phạm này. Điều này đã tạo được những dấu ấn, tác động tích cực đến đời sống xã hội và đem lại những hiệu quả bước đầu.

Ông Tạ Đức Giang - Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết: “Tỷ lệ tai nạn giao thông trong thời gian qua liên quan đến nồng độ cồn đã có chiều hướng giảm mạnh. Trước hết bắt nguồn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bởi trong thời gian qua, Bộ Công an cũng như UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch để chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT (TTATGT) và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, nòng cốt là ngành công an và ngành GTVT để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ATGT. Đặc biệt là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT nói chung, và quy định về nồng độ cồn nói riêng”.

Ông Tạ Đức Giang cũng cho rằng, bên cạnh đó là công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Thời gian qua, các lực lượng chức đăng đã làm rất quyết liệt, thường xuyên, liên tục và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Có thể nói, chuyên đề nồng độ cồn là một trong những chuyên đề được lực lượng chức năng làm một cách rất quyết liệt. Qua công tác xử lý vi phạm cũng góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện” - ông Tạ Đức Giang chia sẻ.

Bền bỉ, duy trì

Mặc dù người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, ý thức dần được nâng cao, thế nhưng, thời gian qua, những chốt kiểm tra nồng độ cồn vẫn được duy trì trên đường phố vào tất cả các khung giờ kể cả giữa đêm. Nhiều trường hợp vi phạm không khỏi bất ngờ khi lái xe rời bàn nhậu lúc 1 giờ sáng vẫn bị xử phạt.

Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Hàng ngày, hàng giờ người dân chúng tôi được tuyên truyền về việc xử lý nồng độ cồn qua tivi, báo chí và mạng xã hội. Ở nhà thì vợ con, bố mẹ khuyên răn, ra đường thường xuyên gặp chốt kiểm tra cùng với hình phạt tương đối cao như hiện nay, việc chấp hành nồng độ cồn đã đi vào đời sống từng người dân, từng gia đình”.

Theo anh Nguyễn Văn Sơn, trước đây, việc uống rượu, bia xong lái xe về nhà là chuyện bình thường, tuy nhiên bây giờ thì không dám. Không chỉ sợ bị phạt nặng, mà còn tự ý thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Anh Dương Công Thế, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội. Hầu hết xe nào có dấu hiệu khả nghi đều bị kiểm tra. Bản thân tôi trước đây vẫn thỉnh thoảng uống rượu, bia xong lái xe, bây giờ chỉ dám đi taxi”.

Anh Đào Văn Hà, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ: "Xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được, nên tôi không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia. Mong rằng, việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nền nếp để công bằng cho tất cả mọi người. Qua đó, người dân tham gia giao thông cũng được yên tâm, an toàn hơn".

Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần đẩy mạnh nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm duy trì thành quả đã đạt được cũng như tiếp tục kéo giảm tỷ lệ TNGT liên quan đến nồng độ cồn.

Ông Tạ Đức Giang nhận định, việc xử phạt kết hợp với truyền thông là một trong những giải pháp rất quan trọng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, Hà Nội cần tiếp tục tập trung tuyên truyền những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, nhất là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.

Đồng thời, tuyên truyền về mức xử phạt hành chính đối với hành vi này cũng như hậu quả mà hành vi mang lại. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh và trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được phát hiện và xử lý nghiêm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Qua đó, sẽ hình thành văn hóa, thói quen đã uống rượu, bia là không lái xe trong xã hội.

“Trong giải pháp tuyên truyền, tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí - cách người tham gia giao thông, người dân tiếp cận hiệu quả nhất, tạo sự lan tỏa, hướng tới xây dựng một xã hội không xảy ra TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Văn hóa đã uống rượu, bia không lái xe sẽ tiếp tục được duy trì trên địa bàn TP nói chung cũng như trên địa bàn cả nước” - ông Tạ Đức Giang chia sẻ.

Để tiếp tục kéo giảm tình trạng người dân tham gia giao thông có nồng độ cồn trong hơi thở, Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Phòng CSGT đã có các kế hoạch chi tiết để triển khai công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành liên tục thay đổi phương thức, khung giờ tuần tra, lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm để không bỏ sót vi phạm”.

Theo vị Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), lực lượng chức năng cũng sẽ kiên quyết xử lý vi phạm. Đặc biệt là các đối tượng lợi dụng việc uống rượu, bia để thực hiện hành vi càn quấy, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép hoặc có dấu hiệu hình sự xuất phát từ rượu, bia.

Tiếp nối hành trình xây dựng văn hóa giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe, trong thời gian tới, CSGT Hà Nội đặt mục tiêu lớn thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm, kế hoạch xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, xe tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng trên địa bàn TP…

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội)

>> Từ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đến tranh cãi về đề xuất cấm thuốc lá nung nóng

Từ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đến tranh cãi về đề xuất cấm thuốc lá nung nóng

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Ngoài nồng độ cồn, 26 hành vi khác cũng bị cấm

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/cu-dam-thep-voi-ma-men-tham-gia-giao-thong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
"Cú đấm thép" với "ma men" tham gia giao thông
POWERED BY ONECMS & INTECH