Năm 2022, cảng Cái Mép xếp ở vị trí thứ 12 của bảng xếp hạng.
Ngày 4/6, Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence đã công bố Chỉ số Hoạt động Cảng Container năm 2023 (Container Port Performance Index - CPPI).
Trong báo cáo này, cụm cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đạt được thành tích ấn tượng khi lần đầu tiên vào top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới với vị trí thứ 7. Đây là vị trí cao thứ 5 ở khu vực châu Á và chỉ đứng sau cảng Tanjung Pelepas xét theo các cảng ở Đông Nam Á.
Cảng Cái Mép đã có bước nhảy vọt so với năm 2022, khi trước đó cảng này xếp ở vị trí thứ 12. Điều này không chỉ khẳng định những nỗ lực cải tiến trong quy trình tiếp nhận tàu và đẩy nhanh tiến độ làm hàng, mà còn phản ánh sự hiệu quả từ việc nạo vét tuyến luồng Cái Mép, giúp tàu lớn ra vào an toàn và chở thêm nhiều hàng hóa hơn.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online |
>> Sở hữu nhiều cảng biển 'đắt giá', Việt Nam 'dọn đường' đón tàu trọng tải lớn
Những cải tiến tại cụm cảng Cái Mép không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng suất xếp dỡ hàng hóa. Cảng Gemalink đang triển khai giai đoạn II của dự án để tăng công suất tiếp nhận hàng hóa. Hai bến cảng lớn trong khu vực là bến Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) và bến Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã tổ chức lễ mở cổng kết nối hai cảng, tạo ra liên minh bến cảng đầu tiên tại Cái Mép. Những bước tiến này được kỳ vọng sẽ giúp cụm cảng Cái Mép duy trì vị thế là cảng hoạt động hiệu quả hàng đầu thế giới và tiếp tục thăng hạng trong bảng xếp hạng cảng container lớn nhất thế giới.
Ngoài Cái Mép, cảng Hải Phòng cũng ghi nhận thành tích đáng chú ý khi vươn lên vị trí thứ 70 trong top 100 cảng container hoạt động hiệu quả toàn cầu, tăng từ vị trí thứ 140 năm ngoái. Cảng Cát Lái giữ vị trí thứ 20 xét theo sản lượng thông qua, với gần 8,4 triệu Teu mỗi năm, trong khi cụm cảng Cái Mép - Thị Vải lần đầu vào top 30 cảng container lớn nhất thế giới với gần 5,6 triệu Teu thông qua.
Cụm cảng Cái Mép |
Chỉ số CPPI được tính dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc dỡ hàng, và tổng lượng hàng/chuyến. Báo cáo năm nay đánh giá 405 cảng container toàn cầu, tăng từ 351 cảng so với ấn bản đầu tiên vào năm 2021. Các yếu tố như tàu lớn và công nghệ thông tin số hóa cũng được xem xét, cung cấp cơ sở tham khảo cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số CPPI không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động của các cảng container mà còn là cơ sở để các chính phủ, nhà điều hành cảng, hãng tàu, và các tổ chức liên quan tới chuỗi cung ứng đưa ra những định hướng phát triển phù hợp. Việc cảng Cái Mép vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng CPPI 2023 là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của cảng này và khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong ngành hàng hải toàn cầu.
Lộ diện 2 phương án chọn nhà đầu tư xây dựng 'siêu' cảng Cần Giờ 113.000 tỷ đồng: Tuy dễ mà khó
'Giải mã' lí do tỉnh có cảng nước sâu lớn nhất cả nước dẫn đầu về hút vốn FDI