Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đổ về tỉnh này đã tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới ngày 20/5, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Có 1.227 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương dẫn đầu cả nước về vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 1,5 tỷ USD. Con số này đã tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả đạt được này phần lớn nhờ dự án 730 triệu USD do chaebol Hàn Quốc Hyosung đầu tư.
Đây là dự án sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô, nằm tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Với sự đầu tư của Hyosung, đây sẽ là nơi đầu tiên tại châu Á sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất loại nguyên liệu này.
Tập đoàn Hyosung đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như dệt may, hóa chất, vật liệu công nghiệp, công nghiệp nặng, công nghệ thông tin với 36 cơ sở sản xuất trên toàn cầu.
Hyosung thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 9.000 lao động.
Kể từ sau nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai, Hyosung đã liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2008, tập đoàn xây dựng thêm nhà máy sản xuất Spandex, sau đó, tới năm 2014 tiếp tục mở rộng đầu tư; năm 2010, xây nhà máy Steel Cord; năm 2012, mở thêm nhà máy Technical Yarn…
Trong 2 năm 2015 và 2016, Hyosung đã xây dựng thêm các nhà máy Nylon, Ticord, PTMG, Motor… ở Đồng Nai. Năm 2018, tập đoàn này mở thêm Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà máy sản xuất vải mành của Hyosung tại khu công nghiệp Tam Thăng Quảng Nam.
Không chỉ đầu tư thêm nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh doanh hiện có, Hyosung còn đang xem xét đầu tư vào các lĩnh vực mà tập đoàn chưa từng thực hiện ở Việt Nam như sinh học, công nghệ cao, thông tin và truyền thông.
Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 20,1 triệu USD. Trong đó, dự án tại Đồng Nai là 1,9 tỷ USD; dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 1,4 tỷ USD; dự án tại Quảng Nam 200 triệu USD và dự án tại Bắc Ninh 100 triệu USD.
Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn Hyosung Việt Nam có dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung đã đi vào hoạt động tại KCN Cái Mép với tổng vốn gần 1,4 tỷ USD.
Ngoài dự án 730 triệu USD nói trên, trong năm 2023 Hyosung Việt Nam cũng đã được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án nhà máy sợi carbon tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ. Dự án này có tổng vốn huy động dự kiến 540 triệu USD, với giai đoạn 1 khoảng 120 triệu USD.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Lee Sang Woon từng nhấn mạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược đầu tư của Hyosung tại Việt Nam.
Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với TP. HCM và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không và đường thủy.
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) tại Vũng Tàu là cảng lớn nhất Việt Nam, chiếm đến gần 53% thị phần trong giai đoạn từ 2011 đến 2021. Cảng có tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động năm 2011, đây là cảng trung chuyển container nước sâu đầu tiên của Việt Nam.
Đón gần 2 tỷ USD, ngành bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI
4 xã của TP trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước sắp 'đổi đời': Sẽ bị mất tên gọi?