Cụm nhà máy điện mặt trời 9.100 tỷ lớn nhất Đông Nam Á của Việt Nam, "bén rễ" trên đất bán ngập của hồ thủy điện lớn nhất cả nước
Nhà máy điện mặt trời này là công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất lắp đặt 420 MW, nằm trên vùng đất bán ngập bên hồ Dầu Tiếng.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (gồm Nhà máy điện Dầu Tiếng 1, 2, 3) là dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan), với tổng vốn đầu tư lên đến 9.100 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là cụm Nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, khu vực xây cụm nhà máy điện mặt trời có địa hình ngập thường xuyên lẫn bán ngập, nghĩa là chìm trong biển nước vào cuối mùa mưa. Trước đây, như hàng ngàn ha khác bên hồ Dầu Tiếng, khu vực này được tận dụng để trồng hoa màu ngắn ngày.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, chạy dài suốt 4 km, bám theo dải đất nhìn ra hồ, rừng cột bê tông được dựng lên với chiều cao 6 - 8 mét. Phía trên, những tấm pin năng lượng mặt trời được gắn hướng về phía nam, để đón bức xạ mặt trời. Dòng điện một chiều từ hệ thống pin được biến đổi thành dòng xoay chiều, nâng áp lên 22 kV, truyền về trạm biến áp 220 kV và hòa vào lưới điện quốc gia.
Rộng khoảng 504 ha, cánh đồng pin được xây dựng trong gần một năm bởi hơn 1.000 kỹ sư và công nhân thuộc dự án do công ty TNHH Xuân Cầu và đối tác B. Grimm Power Public (Thái Lan) thực hiện.
Chia sẻ về dự án hồi năm 2020 trên Báo Nông nghiệp, kỹ sư Phùng Ngọc Tuyên cho biết: "Dự án có 1,8 triệu tấm pin mặt trời được cố định trên gần 190.000 cọc bêtông trải dài ven bờ hồ và khu đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Để gắn các tấm pin mặt trời lên cọc, phía công ty sử dụng các thùng phuy kết thành bè và làm giàn giáo nổi. Những ngày đầu thi công do chưa quen với phương pháp này, nhiều công nhân bị say sóng, không ít người đã té nhào xuống nước khi đang làm việc trong điều kiện bồng bềnh trên mặt nước".
“Có đợt đang giữa đêm, nước lũ về ồ ạt ngập luôn khu vực kho tập kết vật liệu, tấm pin, anh em công nhân phải thức xuyên đêm cứu đồ đạc. Đến tháng 6/2019, khi dự án đưa vào vận hành, anh em vỡ òa hạnh phúc vì cuối cùng bao vất vả của anh em đã đạt thành quả. Công trình không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, mà còn tô điểm cho hồ Dầu Tiếng vốn đã đẹp nay còn đẹp hơn”, anh Tuyên nói.
Sự xuất hiện của nhà máy điện mặt trời được đánh giá có tính kinh tế cao hơn. Đại diện chủ đầu tư cho biết nguồn điện sản xuất được mỗi năm tương đương 1.500 tỷ, trung bình 3 tỷ mỗi năm trên diện tích một hecta đất.
Bên cạnh đó, cụm Nhà máy điện Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 có thể coi là cú hích để phát triển thêm các khu công nghiệp địa phương, tạo thêm công việc đáng kể cho nguồn lao động tại chỗ. Công trình năng lượng sạch lớn nhất Đông Nam Á sẽ thu hút khách tham quan, kết nối với các điểm hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen, tạo ra hệ sinh thái kinh tế và du lịch.
Các chuyên gia đánh giá, đây là dự án năng lượng mặt trời có quy mô rất lớn được đầu tư tại Tây Ninh, biến địa phương này thành một trong những "thủ phủ" về điện mặt trời của cả nước. Bên cạnh đó, khai thác điện thương mại theo công suất thiết kế, góp phần bổ sung nguồn năng lượng quý giá, xanh - sạch, bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi đi vào hoạt động, "rừng pin" tại cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng cung cấp nguồn điện với công suất 690 triệu kWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ điện của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam.
Bên cạnh đó, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng đi vào hoạt động giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp cho ngân sách của địa phương và tham gia tích cực trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với công suất chiếm khoảng gần 10% tổng công suất các Nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng sẽ giúp giảm tải lượng phát thải khí nhà tương đương với 595.000 tấn CO2 mỗi năm.
Với những hiệu quả mà dự án mang lại, tháng 2/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định cho phép xây dựng thêm 2 dự án tại tổ hợp điện mặt trời Dầu Tiếng là Dầu Tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2. Giống với dự án khu tổ hợp Nhà máy điện Dầu Tiếng 1, 2, 3 trước đây, dự án mới cũng nằm trên địa bàn xã Suối Đá vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng thuộc cùng xã Suối Đá, tỉnh Tây Ninh. Tuy không có ý định soán ngôi nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á của dự án trước (diện tích 504ha, bao gồm cả vùng ngập mặn), hai nhà máy mới cũng sẽ có quy mô vô cùng lớn, ước tính lên đến 322,5 ha.
Trong lần này, vốn đầu tư vào cả hai dự án lên đến hơn 7.000 tỷ đồng. Với số vốn này, đây sẽ là hai nhà máy mới sản xuất nguồn điện mặt trời với tổng công suất 450 MW (225MW mỗi dự án). Sau khi hoàn thành, chuỗi tổ hợp năm nhà máy Dầu Tiếng tại Tây Ninh sản xuất nguồn điện thương phẩm hứa hẹn sẽ có công suất lên đến 1.050 MW.
Thời gian hoạt động của dự án dự kiến trong 50 năm. Theo tiến độ được đưa ra, quý 2/2022 nhà đầu tư khởi công công trình, đến quý 4/2023 dự án được đưa vào hoạt động cung cấp điện thương phẩm.