Cuộc chuyển giao quyền lực tại Vinaseed - Doanh nghiệp 14 năm liền trả cổ tức tiền mặt trên 30%
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - Mã NSC), một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu thuộc hệ sinh thái PAN Group, vừa có biến động lớn trong bộ máy điều hành.
Ngày 17/2, HĐQT Vinaseed chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Trần Kim Liên khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật nhiệm kỳ 2022 - 2026 vì lý do cá nhân. Bà Liên đã gắn bó với Vinaseed từ năm 2004 và có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp thành công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam.
![]() |
Bà Trần Kim Liên - nữ tướng điều hành Vinaseed trong ba thập kỷ |
Cùng ngày, HĐQT Vinaseed bầu bà Nguyễn Thị Trà My – thành viên HĐQT – giữ chức Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật. Bà Nguyễn Thị Trà My hiện cũng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PAN Group, đồng thời đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ sinh thái PAN Group, như: Chủ tịch HĐQT Pan Farm, Phó Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (FMC), Phó Chủ tịch CTCP Thực phẩm Khang An.
Các quyết định nhân sự sẽ được Vinaseed thông qua tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 16/4/2025.
>> Hành trình tỷ USD của PAN Group: Góc nhìn một thập kỷ M&A
Vinaseed: Hành trình bứt phá từ M&A chiến lược của PAN Group
Vinaseed được thành lập từ năm 1968, trải qua 57 năm phát triển, hiện là công ty giống cây trồng lớn nhất Việt Nam với hơn 20% thị phần. Đây cũng là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam từ tháng 12/2006. Sau 18 năm, giá cổ phiếu NSC đã tăng từ 8.660 đồng lên gần 84.300 đồng/cp, gấp gần 10 lần.
Thành công của Vinaseed không thể không nhắc đến chiến lược M&A chọn lọc của PAN Group. Thông qua các thương vụ thâu tóm, PAN Group đã biến Vinaseed từ một doanh nghiệp nhà nước nhỏ thành công ty hàng đầu ngành giống cây trồng.
Vinaseed xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, sản xuất giống đến chế biến và kinh doanh thực phẩm. Năm 2019, công ty thành lập Vinarice – nhà máy chế biến hạt giống và nông sản hiện đại nhất Đông Nam Á. Đồng thời, Vinaseed hợp tác với Tập đoàn Nagoya Shokuryo của Nhật Bản để sản xuất và xuất khẩu gạo đóng bao, phục vụ các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, châu Âu và Nhật Bản.
Đặc biệt, giống lúa DT8 của Vinaseed hiện chiếm 30% sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Công ty cũng đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực gạo đóng bao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Kinh doanh ổn định, chia cổ tức tiền mặt đều đặn
Từ năm 2014, Vinaseed duy trì lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2024, doanh nghiệp đạt 2.449 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% YoY, đạt mức kỷ lục; lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng, giữ vững đà tăng trưởng.
Sự đóng góp của Vinaseed đã giúp PAN Group lần đầu tiên báo lãi vượt nghìn tỷ trong năm 2024.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, Vinaseed nổi bật với chính sách chia cổ tức tiền mặt đều đặn và tỷ lệ cao. Từ năm 2011, công ty luôn chi trả cổ tức từ 30% trở lên, thậm chí cao nhất đạt 70% vào năm 2021.
>> Tân Tạo, Thép SMC và Vinaseed - Ngã rẽ của những doanh nghiệp niêm yết đời đầu
![]() |
Các đợt trả cổ tức gần nhất của Vinaseed |
Việc bà Trần Kim Liên – nữ tướng góp công xây dựng Vinaseed thành công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam – từ nhiệm mở đường cho thế hệ lãnh đạo mới tiếp tục đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Trà My với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm và vai trò lãnh đạo tại nhiều công ty thuộc hệ sinh thái PAN Group, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của Vinaseed, đặc biệt là trong chuỗi giá trị nông sản khép kín.
Sự chuyển giao này không chỉ đơn thuần là thay đổi nhân sự mà còn là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của Vinaseed và PAN Group, đặc biệt khi ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững và xuất khẩu chất lượng cao.
Chi gần 10.000 tỷ đồng cho danh mục chứng khoán kinh doanh, đại diện PAN Group nói gì?
Tập đoàn Hòa Phát sẽ IPO 'siêu doanh nghiệp' 6.100 tỷ, lợi nhuận ngang PAN, HAGL?