Hành trình tỷ USD của PAN Group: Góc nhìn một thập kỷ M&A
Hơn một thập kỷ bứt phá, PAN Group không chỉ tạo ra hơn 10.000 việc làm mà còn kiến tạo một hệ sinh thái nông nghiệp sạch, bền vững, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và nâng tầm vị thế ngành nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN |
Cổ phiếu PAN lên đỉnh 3 năm
Ngày 19/2/2025, cổ phiếu PAN của PAN Group (sàn HoSE) tăng 3,9% lên 28.000 đồng/cp, mức cao nhất trong 3 năm. Từ nửa cuối tháng 11/2024 đến nay, giá đã tăng gần 26%, thoát khỏi vùng tích lũy 22.000-24.000 đồng, kèm thanh khoản cải thiện. So với thời điểm niêm yết năm 2006, cổ phiếu này đã tăng gần 7 lần.
Kể từ sau ĐHCĐ thường niên tháng 4/2024, PAN đã tăng gần 40%. Đặc biệt, cổ đông được chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho năm 2023 – lần đầu tiên sau ba năm, phản ánh cam kết của ban lãnh đạo rằng "Chúng tôi làm tất cả những gì cổ đông yêu cầu".
Kết thúc năm 2024, PAN đạt doanh thu 16.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ, tăng lần lượt 23% và 40% so với năm trước, vượt xa kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng tại các công ty thành viên ở ba mảng chính đã đóng góp tới 50% lợi nhuận.
Tại buổi gặp nhà đầu tư ngày 4/2/2025, đại diện PAN Group khẳng định sẽ duy trì cổ tức tiền mặt ít nhất 5% theo định hướng ĐHCĐ 2024. Tuy nhiên, tập đoàn cũng ưu tiên gia tăng sở hữu tại các công ty con có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, do đó mức cổ tức cụ thể sẽ được trình tại ĐHCĐ thường niên 2025.
Chiến lược này phản ánh quan điểm nhất quán của PAN Group: Phát triển bền vững, tối đa hóa lợi ích cổ đông và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành nông nghiệp – thực phẩm.
>> PAN Group chia cổ tức trở lại, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng trăn trở: 'Cổ đông chưa giúp cổ phiếu viral'
Dấu ấn một thập kỷ M&A chọn lọc
Đằng sau mức lợi nhuận lần đầu vượt 1.000 tỷ đồng là chiến lược M&A có tầm nhìn tỷ USD của ban lãnh đạo.
Năm 2013, PAN Group công bố chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, đặt mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực. Với khát vọng đồng nhất hóa ngành nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam, PAN cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc minh bạch, thông qua chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ khiêm tốn, đến cuối 2024, PAN Group đã ở vị thế top đầu ngành với vốn chủ sở hữu hơn 8.800 tỷ đồng, tổng tài sản gần 24.000 tỷ đồng. Thành công này đến từ chiến lược M&A có chiều sâu.
Khác với các thương vụ thâu tóm thông thường, PAN Group chỉ M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực cốt lõi, có tính cộng hưởng cao với hệ sinh thái tập đoàn, theo tiêu chí khắt khe về minh bạch quản trị, tiềm năng tăng trưởng và khả năng tích hợp. Sau M&A, PAN không dừng lại ở việc sở hữu, mà tập trung tối ưu hóa chuỗi giá trị, phát huy sức mạnh cộng hưởng giữa các công ty thành viên.
Bắt đầu từ thương vụ M&A Thủy sản Bến Tre (ABT) năm 2013, PAN Group tiếp tục sở hữu các công ty đầu ngành như Vinaseed, Bibica, 584 Nha Trang… Đến nay, tập đoàn gần như đã khép kín chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm, từ con giống, sản xuất, chế biến đến phân phối.
![]() |
Nguồn: PAN Group |
Các công ty con nổi bật trong hệ sinh thái PAN Group:
- Nông nghiệp: Vinaseed (NSC), VFC (VFG);
- Thủy sản: Fimex (FMC), Khang An Foods, Aquatex Bến Tre (ABT);
- Thực phẩm đóng gói: Bibica (BBC), Lafooco (LAF), nước mắm 584 Nha Trang, cà phê Golden Beans.
Nhờ chiến lược này, đến cuối năm 2023, PAN Group chiếm lĩnh thị phần hàng đầu trong nhiều mảng: Chiếm 21% thị phần giống cây trồng – đứng đầu Việt Nam; Top 2 thuốc bảo vệ thực vật với 12% thị phần; Top 3 về xuất khẩu tôm với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Tiến gần cột mốc tỷ USD
Giai đoạn 2013-2024, doanh thu PAN Group đã tăng 26 lần, lợi nhuận hợp nhất tăng 55 lần. Từ mức tài sản chỉ 400 tỷ đồng năm 2012, quy mô doanh nghiệp đã tăng 60 lần sau 12 năm, tiến gần tới cột mốc tỷ USD tài sản.
Dĩ nhiên, con số này chưa phải điểm dừng. CEO Nguyễn Thị Trà My khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục M&A để hoàn thiện chuỗi giá trị, song song với tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con chiến lược.
![]() |
Nguồn: BCTN 2023 của PAN Group |
PAN Group cũng mở rộng hợp tác quốc tế, điển hình là: Syngenta – hợp tác trong lĩnh vực nông dược; CP Group – hợp tác chiến lược trong ngành tôm. Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu, mà còn mở rộng kênh phân phối toàn cầu.
Điều này một lần nữa được đại diện doanh nghiệp khẳng định tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu tháng 2 vừa qua khi được hỏi về kế hoạch tăng vốn: "Chúng tôi sẽ tăng vốn khi định giá công ty phù hợp để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và doanh nghiệp. Mục đích chính của việc tăng vốn là để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, đặc biệt là những công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn".
CEO Trà My nhấn mạnh: "PAN luôn tìm hiểu kỹ đối tác và nhu cầu doanh nghiệp: Mình có gì, cần gì – họ có gì, cần gì. Chỉ khi có sự hợp tác thực chất, đôi bên mới cùng phát triển bền vững".
Tính đến cuối năm 2024, tổng nhân sự của PAN Group đã đạt 10.850 người, tăng 405 nhân sự sau 12 tháng và 4.400 nhân sự so với năm 2014 – thời điểm trước khi đổi tên.
Sau hơn một thập kỷ, PAN Group không chỉ là một tập đoàn nông nghiệp – thực phẩm, mà còn là một hệ sinh thái toàn diện, bền vững. Hành trình tỷ USD của PAN Group vẫn đang tiếp tục – và những chương mới chắc chắn còn nhiều điều đáng mong chờ.
>> ĐHCĐ PAN Group 2024: 'Cả thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo... chúng ta hãy bắt đầu từ mức cổ tức 5%'
Chi gần 10.000 tỷ đồng cho danh mục chứng khoán kinh doanh, đại diện PAN Group nói gì?
Tập đoàn Hòa Phát sẽ IPO 'siêu doanh nghiệp' 6.100 tỷ, lợi nhuận ngang PAN, HAGL?