Sống

Cuộc đời Hải "đồ cổ": Cú ngã của đại gia nức tiếng có 3 tấn vàng ròng, 4 lần tù tội, thừa nhận từ đại tỷ phú thành "chúa chổm"

Quỳnh Lâm 15/08/2023 06:20

Ít ai biết, đại gia Hải "đồ cổ" từng có trong tay khoảng 3 tấn vàng đã phải 4 lần vào tù. Thế nhưng, mỗi lần ra tù ông đều không nguôi ý chí làm giàu.

Hơn 40 năm trước, ở đất cảng Hải Phòng, Hải "đồ cổ" (tên thật là Bùi Xuân Hải) là một cái tên nổi danh trên chốn thương trường. Ông sở hữu một khối tài sản khổng lồ mà không chỉ thời bấy giờ, ngay cả hiện tại nhiều người cũng phải ao ước. Thế nhưng cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm, từng có lúc ở đỉnh cao của sự giàu có, cũng có lúc trắng tay, vào tù, ra tội tới 4 lần.

Nhưng dù biến cố cuộc đời có lớn cỡ nào cũng không thể đánh bại được ý chí làm giàu và gây dựng sự nghiệp của vị đại gia “quái kiệt” này.

Cuộc đời Hải

Từng phải nhặt lông vịt bán lấy tiền mua gạo

Ông Bùi Xuân Hải sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) trong một gia đình rất nghèo. Ông là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Tuy nhiên, ông Hải không chịu đói khổ như bạn bè đồng trang lứa mà luôn vận động tìm cách kiếm sống.

Ngoài lúc đi học, ông Hải đi chăn trâu giúp bố nhưng ông toàn thả rông trâu ngoài đồng rồi đi khắp thôn xóm nhặt nhạnh lông vịt, lông ngan. Cứ tích tiểu thành đại, rồi ông mang đi bán, cũng kiếm được mấy kg gạo, đủ cho gia đình no bụng vài ngày.

Năm cuối phổ thông, cậu học sinh Bùi Xuân Hải đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào Khoa Địa lý Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, Bùi Xuân Hải được nhận ngay về Trường PTTH Phù Cừ (Hưng Yên) giảng dạy môn địa lý.

Nghề giáo nghèo chính là bước ngoặt tạo nên cuộc đời hiển hách của ông sau này. Khoảng thời gian làm thầy giáo, ông được học trò tặng cho chiếc bình để cắm hoa. Hơn 5 năm sau đó, khi chuyển về Hải Phòng sinh sống ông vẫn mang theo chiếc bình để trưng trong nhà làm kỷ niệm. Một ngày nọ, có người bạn tới chơi và phát hiện ra chiếc bình này là bình bát tiên, thuộc loại tối cổ, đời Tống nên nằng nặc đòi mua với giá 2 cây vàng.

Dù bán bình cổ mua được mấy ngôi nhà ở quê nhưng ông Hải không bán. Mấy hôm sau, anh bạn cùng vài người nữa quay lại ngã giá chiếc bình cổ 7 cây vàng và ông Hải đã gật đầu.

Thầy giáo nghèo thành vua đồ cổ

Trong chốc lát, chiếc bình cổ biến ông giáo nghèo thành người giàu. Sau đó, ông Hải quyết định làm một việc mà khiến gia đình, đồng nghiệp coi là ngớ ngẩn: săn tìm thu mua bình lọ và tất cả những thứ cũ kỹ. Ngày đó, người dân chưa biết giá trị của những thứ đồ cũ, nên cứ vừa bán vừa cho, do đó, ông thu mua rất dễ, chẳng mấy mà gom được đầy nhà. Những thứ đó, Hải bán lại cho giới chơi đồ cổ, thu về không biết bao nhiêu tiền của, vàng bạc.

Cuộc đời Hải

Việc mua bán đồ cổ lên như diều gặp gió. Từ vài cây vàng trong tay, cứ mua đi bán lại, đến năm 1980, chỉ trong khoảng 10 năm, ông Hải đã có trong tay 3 tấn vàng, một số vàng có thể mua được một góc Thành phố Cảng.

Những chuyến tàu chở đầy toa đồ cổ từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đem về cho ông không biết bao nhiêu vàng bạc, đô la. Đồ cổ chất ngập trong ngôi biệt thự khổng lồ ở 14 Phạm Bá Trực. Từ Bắc vào Nam, ông có tổng cộng 200 điểm cất giữ đồ cổ, vì nhà cửa ở Hải Phòng không đủ chỗ để. Cái tên Hải “đồ cổ” bắt đầu nổi danh khắp nước từ đó. Từ đó, người ta gọi ông Hải là “vua đồ cổ”.

Ông Hải nói vui: “Ngày đó buôn bán vàng bạc châu báu, đồ cổ chả ai cấm. Tôi dùng xe tải chở đồ cổ nghênh ngang ngoài đường, dùng tàu chở đồ cổ đi khắp biển chẳng ai bắt, nhưng hễ chở mấy cân gạo hay vài con ngan là bị gây khó dễ ngay”. Ngành nghề kinh doanh của ông Hải khi đó quả là độc đáo, chẳng ai có thể nghĩ đến được.

4 lần vào tù ra tội vẫn nuôi ý chí làm giàu

Đang ở đỉnh cao của danh vọng, tiền bạc, ông Hải "đồ cổ" bất ngờ sa cơ lỡ vận vào năm 1981. Năm đó, ông mang theo 1,7 kg vàng vào Thái Bình mua đồng đen. Tuy nhiên, khi gia chủ vừa đưa ra cục đồng hun đen thì công an lập tức ập vào thu sạch cả “đồng đen” lẫn vàng. Sau biến cố việc này, đại gia Hải “đồ cổ” phải ngồi trại 2 tháng vì buôn hàng quốc cấm.

Ra tù, ông tiếp tục ý chí làm giàu bằng việc thành lập Công ty thiết bị giáo dục. Hoạt động của công ty là kết hợp với các trường học, huy động học sinh thu gom phế liệu bán lại cho trường, sau đó trường chuyển lên công ty để tái chế. Tuy nhiên, khi nhà máy chế biến phế liệu vừa xây xong, năm 1986, ông lại bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ và lĩnh án 20 tháng tù.

Sau khi mãn hạn tù, ông tiếp tục mở xí nghiệp kinh doanh Havico – chuyên sản xuất đồ gốm sứ và đồ giả cổ. Là người sành sỏi, có đầu óc nhạy bén, chỉ 2 năm sau, công ty của ông đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá tới 8 triệu USD.

Đáng tiếc, sau sự cố nợ một công ty xuất nhập khẩu 400.000 USD, năm 1994, ông Hải bị công an Hà Nội bắt vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Thời điểm ra tòa, ông Hải “đồ cổ” tự bào chữa, chứng minh mình là chủ nợ chứ không phải con nợ nhưng không thành án. Ngày 31/5/1995, ông được trả tự do nhưng sản nghiệp thì lụi bại tận cùng. Ba lò đốt hiện đại cùng máy móc, nhà xưởng bị tịch thu chỉ được bồi thường 1%.

Ra tù lần thứ 4 khi đã xấp xỉ 60 tuổi nhưng đại gia Hải "đồ cổ" vẫn không ngừng nghỉ, miệt mài nghiên cứu và hoàn thành công nghệ mới mang tính đột phá đó là vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi mang đi nung.

Cuộc đời Hải

Tìm cách xoay xở, ông nhanh chóng lập xưởng sứ cao cấp vẽ vàng ở khu đất rộng 1 ha phía chân đê, trên đường từ TP. Hải Phòng đi Đồ Sơn cũ. Đây cũng là trung tâm đào tạo nghề cho các học viên đủ thành phần, lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền.

Giờ đây khi đã ở tuổi 70, đại gia đất Cảng vẫn đam mê công nghệ kỹ thuật cao - vẽ vàng lên sứ. Các sản phẩm của ông đươc làm bằng tay tinh xảo, được đối tác nước ngoài khen ngợi. Tham vọng của ông là sẽ dát vàng lên mọi sản phẩm, từ ô tô, điện thoại, cho tới quần áo, rồi tiến tới là dát vàng các công trình kiến trúc cao cấp và siêu cấp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các sản phẩm do cơ sở của ông làm ra rất kén khách hàng, vì giá thành một sản phẩm lên tới vài chục triệu cho tới cả tỷ đồng, điều này dẫn tới tệp khách hàng rất hạn chế do chỉ dành cho giới thượng lưu.

Giới hạn khách hàng, cộng với chi phí cho xưởng sản xuất và showroom trưng bày lớn đã khiến xưởng gốm sứ của ông gặp khó khăn, có thời điểm phải vay lãi ngày để có tiền trả cho nhân công...

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Hải vẫn kiên định với lối đi của riêng mình, từng bước khắc phục khó khăn, trở ngại. Trong một lần chia sẻ trên Báo Người Lao Động vào năm 2014, ông từng tâm sự: “Cách đây 30 năm, tôi là đại tỷ phú. Giờ đây, tôi là "chúa chổm", đi vay nặng lãi khắp nơi chỉ để duy trì cái xưởng gốm sứ... ”. Thế nhưng, trong ông vẫn không thôi nung nấu khát vọng biến Hải Phòng thành “vương quốc gốm sứ” của thế giới, đặc biệt là công nghệ vẽ vàng lên gốm sứ sẽ đánh bại nền gốm sứ của Trung Quốc nổi tiếng cả ngàn năm nay.

Không phải bầu Đức, đại gia Việt nào "chơi trội" chi gần trăm tỷ mua trực thăng rồi cho thuê giá... 1 đồng?

Không phải bầu Đức, đại gia Việt nào "chơi trội" chi gần trăm tỷ mua trực thăng rồi cho thuê giá... 1 đồng?

Nhìn lại hệ sinh thái của đại gia Đức cá tầm và những khoản thế chấp tại ngân hàng MSB

Đại gia bất động sản hầu toà; loạt nhà máy trên ‘đất vàng’ phải rời khỏi nội đô

Bài thuộc chủ đề Kiệt xuất Việt Nam
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-doi-hai-do-co-cu-nga-cua-dai-gia-nuc-tieng-co-3-tan-vang-rong-4-lan-tu-toi-thua-nhan-tu-dai-ty-phu-thanh-chua-chom-196408.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cuộc đời Hải "đồ cổ": Cú ngã của đại gia nức tiếng có 3 tấn vàng ròng, 4 lần tù tội, thừa nhận từ đại tỷ phú thành "chúa chổm"
POWERED BY ONECMS & INTECH