Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chạy dòng tiền ‘khống’, tạo lập giá trị cổ phiếu ‘ảo’

28-02-2024 20:59|Lan Phương

Theo kết luận điều tra, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã thu lợi bất chính tổng cộng 4.344 tỷ đồng trong từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường.

ROS - Vốn ảo, thiệt hại thật, hành trình 1,5 tỷ “hô biến” 5.600 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, từ năm 2012- 4/2014, CTCP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà (sau đổi tên thành CTCP Xây dựng Faros) gần như không hoạt động, chỉ quản lý một sân tập golf ở Mỹ Đình, Hà Nội, với số vốn điều lệ của công ty là 1,5 tỷ đồng.

Từ tháng 4/2014, Faros bắt đầu nhận thầu thi công các dự án bất động sản do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là từ nguồn tiền ứng trước của Tập đoàn FLC.

Mặc dù các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỷ đồng, nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, từ tháng 4/2014- 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế cùng những người khác 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống hơn 3.102 tỷ đồng, làm tăng vốn điều kệ của Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (thực góp chỉ là hơn 1.197 tỷ đồng).

Kết quả điều tra làm rõ, để hợp thức dòng tiền góp vốn, trong ngày 28/4/2014, bà Huế chỉ đạo người thân của ông Quyết đứng tên ký khống sẵn 14 ủy nhiệm chi với nội dung chuyển tiền góp vốn vào tài khoản của Công ty Faros. Đồng thời, bà Huế chỉ đạo các lãnh đạo hệ sinh thái FLC ký khống sẵn các chứng từ là các giấy rút tiền mặt ra khỏi Công ty Faros.

Sau 8 vòng luân chuyển tiền qua các tài khoản, đến khi kết thúc, tài khoản của Công ty Faros phát sinh tăng hơn 223,5 tỷ đồng, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 225 tỷ đồng.

Toàn bộ 223,5 tỷ đồng được hạch toán rút từ tài khoản, nhập quỹ tiền mặt của Công ty Faros, nhưng thực tế không hề nhập quỹ mà được dùng quay vòng góp vốn, sau đó được hạch toán khống bằng việc chi tiền mặt theo các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay khống.

Bằng chiêu thức tương tự, các bị can đã tiếp tục làm tăng vốn điều lệ từ 225 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (tương đương 430 triệu cổ phần).

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS.

Thậm chí khi phải giải trình về nhiều nội dung, trong đó có nội dung giải trình về các khoản ủy thác đầu tư, cho vay đối với bà Nguyễn Thị Hồng Dung và Lê Thị Thơm, dù bà Dung và Thơm là thợ may, lao động tự do, không hoạt động kinh doanh gì, nhưng phía Công ty Faros vẫn giải trình đây là “hai nhà đầu tư uy tín”.

Với sự “tiếp tay” của các lãnh đạo HoSE, VSD, ngày 24/8/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS nhận được quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết với giá tham chiếu 10.500 đồng/cp.

Sau khi ROS lên sàn, ông Quyết tiếp tục chỉ đạo cấp dưới dùng nhiều thủ đoạn để 2 lần tăng vốn điều lệ khống lên 5.600 tỷ đồng để thu hút nhiều nhà đầu tư chứng khoán đổ xô vào mua, làm tăng giá trị cổ phiếu ROS.

Từ tháng 9/2016- 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.

Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỷ đồng.

Theo CQĐT, trong số 30.403 nhà đầu tư mua cố phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, có 26.379 nhà đầu tư đã bán hết hơn 208 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư khác; còn 4.024 nhà đầu tư đang sở hữu hơn 82 triệu cổ phiếu.

2.579 tỷ đồng/ 3.621 tỷ đồng số tiền thu lợi bất chính từ vụ lừa đảo tại ROS được ông Quyết nộp vào Tập đoàn FLC và các công ty con, công ty liên kết đưa vào hoạt động kinh doanh và đưa cho nhóm tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng và tiền bán chứng khoán khác (các mã FLC, GAB, HAI, ART, AMD).

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chạy dòng tiền ‘khống’, tạo lập giá trị cổ phiếu ‘ảo’
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã thu lợi bất chính tổng cộng 4.344 tỷ đồng trong từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường

'Cấp khống' tiền mua chứng khoán, đẩy giá cả nhóm cổ phiếu FLC

Để “lái” cổ phiếu nhóm FLC, bên cạnh số vốn kiếm được từ việc lừa đảo, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Công ty Chứng khoán BOS cấp hạn mức ảo 170.500 tỷ đồng khớp lệnh mua bán 2,8 tỷ cổ phiếu "họ nhà" FLC.

Trong hơn bốn năm, từ tháng 5/2017 - 1/2022, ông Quyết chỉ đạo em gái Minh Huế mượn giấy tờ của người thân để mở 500 tài khoản chứng khoán sau nhằm thao túng giá cổ phiếu. Để có tiền giao dịch, ông Quyết chỉ đạo cấp dưới ở Chứng khoán BOS cấp hạn mức sức mua chứng khoán khống cho số tài khoản trên mở tại công ty này.

Phòng giao dịch chứng khoán "cấp hạn mức khách hàng" theo yêu cầu của em gái ông Quyết. Khi được cấp, các tài khoản chứng khoán của nhóm ông Quyết sẽ hiện lên số dư cho dù thực tế không có tiền. Đây là số tiền tự điền vào nên chỉ có thể dùng để mua cổ phiếu chứ không rút được khỏi tài khoản.

C01 cáo buộc BOS đã cấp hạn mức (sức mua đầu ngày) trái quy định với tổng giá trị 170.500 tỷ đồng để đặt 15.000 lệnh mua 2,8 tỷ cổ phiếu "họ nhà" FLC.

Do cấp vốn khống, BOS từng bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt hai lần, tổng cộng 250 triệu đồng. Đổi lại, BOS thu về 46 tỷ đồng phí giao dịch từ sức mua các mã chứng khoán do nhóm ông Quyết thao túng. Sau khi trừ đi 3 tỷ đồng nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán, BOS vẫn hưởng lợi 43 tỷ đồng.

Tài khoản và tiền đã có, nhóm ông Quyết liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp lệnh nhóm, mua bán khối lượng lớn.

Kết luận điều tra chỉ ra cách ông Quyết sử dụng để chi phối là khớp lệnh thông thường và khớp lệnh thỏa thuận. Trong các phiên giao dịch, nhóm ông Quyết đặt mua 25-70% tổng khối lượng đặt mua của thị trường sau đó hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả, thu hút nhà đầu tư. Tiếp đến, "đội lái" sẽ khớp lệnh nội bộ nhóm để không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu.

Trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), nhóm ông Quyết sẽ liên tục đặt lệnh mua và bán để chiếm ưu thế toàn thị trường. Mục đích để chi phối thị trường vào thời điểm đóng cửa. Giá ngày hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên sau.

Khi giá các cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART được thổi lên cao, ông Quyết chỉ đạo em gái bán toàn bộ để kiếm lời. Trong đó, hưởng lợi từ AMD 39 tỷ đồng, HAI 239 tỷ, GAB 3 tỷ, ART 44 tỷ và FLC 397 tỷ.

>> Lãnh đạo HoSE thừa nhận mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết, vén màn quá trình niêm yết nhiều sai phạm của FLC Faros

[Tổng thuật] Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024

685 nhà đầu tư tố cáo ông Trịnh Văn Quyết, người mua AMD, ART, HAI, GAB, FLC sẽ không được bồi thường

Vụ Vạn Thịnh Phát: Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can Trương Mỹ Lan

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-chay-dong-tien-khong-tao-lap-gia-tri-co-phieu-ao-224575.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chạy dòng tiền ‘khống’, tạo lập giá trị cổ phiếu ‘ảo’
POWERED BY ONECMS & INTECH