Cựu Thủ tướng nổi tiếng của Ấn Độ qua đời
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, kiến trúc sư của chương trình cải cách kinh tế Ấn Độ và là người ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 92.
Cố Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong một sự kiện năm 2014 (Ảnh: AP) |
Cố Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh được đưa vào viện tối 26/12, sau khi sức khỏe của ông xấu đến mức mất ý thức, bệnh viện cho biết. Các bác sĩ đã rất nỗ lực nhưng ông không thể tỉnh lại. Ông được tuyên bố qua đời lúc gần 10h tối.
Nhà kỹ trị ôn hòa là một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất của Ấn Độ với 10 năm cầm quyền và lãnh đạo đảng Quốc đại tại Thượng viện. Ông được khen ngợi với sự chính trực tuyệt vời.
Ông trở thành thủ tướng vào năm 2004, nhưng danh tiếng của ông cũng bị ảnh hưởng khi các bộ trưởng trong nội các dính cáo buộc tham nhũng. Ông tái đắc cử năm 2009, nhưng nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của ông cũng bị tác động vì các vụ bê bối tài chính và cáo buộc tham nhũng khi tổ chức đại hội thể thao của Khối thịnh vượng chung năm 2010.
Những điều này đã dẫn đến thất bại thảm hại của đảng Quốc đại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014 trước đảng Bharatiya Janata của ông Narendra Modi. Ông Singh trở nên kín tiếng từ khi không còn làm thủ tướng.
Kế nhiệm ông Singh từ năm 2014, Thủ tướng Modi gọi người tiền nhiệm là một trong những "nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất" của Ấn Độ, người đã vươn lên từ xuất thân khiêm tốn và "ghi dấu ấn mạnh mẽ trong chính sách kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua".
Ông Rahul Gandhi, lãnh đạo phe đối lập tại hạ viện của Quốc hội Ấn Độ, đánh giá rằng "sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế của ông Singh đã truyền cảm hứng cho quốc gia" và khẳng định ông đã "lãnh đạo Ấn Độ với trí tuệ và sự chính trực tuyệt vời”.
"Tôi đã mất đi một người cố vấn và dẫn dắt. Hàng triệu người ngưỡng mộ ông sẽ nhớ đến ông với niềm tự hào vô bờ", ông Gandhi viết trong bài đăng trên mạng xã hội X.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi lời chia buồn, đánh giá ông Singh là "một trong những người có nỗ lực lớn nhất cho quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ".
"Chúng tôi thương tiếc sự ra đi của Tiến sĩ Singh và sẽ luôn ghi nhớ sự cống hiến của ông trong việc đưa Mỹ và Ấn Độ lại gần nhau hơn", ông Blinken cho biết.
Nhiều dấu ấn
Ông Singh sinh năm 1932, tại một ngôi làng ở tỉnh Punjab của Ấn Độ. Ông từng học ngành kinh tế tại Đại học Cambridge ở Anh và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại trường Cao đẳng Nuffield thuộc Đại học Oxford.
Ông từng giảng dạy tại Đại học Panjab và Trường Kinh tế Delhi danh tiếng trước khi tham gia Chính phủ Ấn Độ vào năm 1971, với tư cách là cố vấn kinh tế của Bộ Thương mại.
Khi trở thành bộ trưởng tài chính, ông đã triển khai các biện pháp cải cách mở cửa nền kinh tế, thay đổi mô hình và giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán nghiêm trọng, nhờ đó tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng.
Ông là nghị sĩ của Thượng viện Ấn Độ và lãnh đạo phe đối lập từ năm 1998 - 2004 trước khi trở thành thủ tướng. Ông là người Sikh đầu tiên giữ chức vụ cao nhất của đất nước và công khai xin lỗi tại Quốc hội về vụ thảm sát người Sikh năm 1984, trong đó khoảng 3.000 người Sikh đã bị giết sau khi Thủ tướng Indira Gandhi bị vệ sĩ người Sikh ám sát.
Chính phủ liên minh mà ông lãnh đạo trong 1 thập kỷ đã tập hợp các chính trị gia và đảng phái có hệ tư tưởng khác nhau, là đối thủ của nhau ở nhiều bang trên cả nước.
Một quyết định được coi là thành tựu lớn nhất của ông ngoài cải cách kinh tế là việc ông đã chấm dứt sự cô lập hạt nhân của Ấn Độ bằng cách ký thỏa thuận với Mỹ để New Delhi có quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân của Washington.
Bên cạnh đó, ông thực hiện chính sách đối ngoại thực dụng, theo đuổi tiến trình hòa bình với đối thủ hạt nhân và nước láng giềng Pakistan.
Tuy nhiên, phương pháp của ông vấp phải thất bại nghiêm trọng khi các tay súng Pakistan thực hiện vụ tấn công bằng súng và bom ở Mumbai vào tháng 11/2008.
Ông cũng đã cố gắng chấm dứt tranh chấp biên giới với Trung Quốc, dàn xếp một thỏa thuận để mở lại đèo Nathu La vào Tây Tạng, nơi bị đóng cửa trong hơn 40 năm trước đó.
Ông sống cùng vợ và 3 con gái.
>> Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành thị trường IPO hàng đầu châu Á