Ông từng là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ du học sinh Đông Âu thời kỳ 1980-1990.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MSN), mới đây không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú cập nhật mới nhất của Forbes. Ông đồng thời là Phó chủ tịch của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank).
Ông Quang được công nhận là tỷ phú trong danh sách công bố đầu năm 2019, với tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717. Năm nay là lần thứ hai ông Quang rời khỏi danh sách này. Trước đó, giai đoạn tháng 11/2019 đến tháng 10/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan cũng không được Forbes công nhận tỷ phú khi sở hữu khối tài sản dưới 1 tỷ USD.
Tiến sỹ hạt nhân đi buôn mỳ gói
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, ở Quảng Trị, là một trong những tỷ phú có xuất phát điểm làm giàu từ vùng đất Đông Âu. Là gương mặt tiêu biểu của “thế hệ vàng” du học sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980-1990, ông Nguyễn Đăng Quang cùng với những người bạn cùng thời như Phạm Nhật Vượng, vợ chồng Nguyễn Thị Phương Thảo - Nguyễn Thanh Hùng, hay Hồ Hùng Anh... đều trở thành những tỷ phú giàu nhất Việt Nam sau này.
Sau 10 năm du học, ông Quang tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov và Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và trở về nước công tác tại Viện khoa học Việt Nam một thời gian. Nhưng rồi không lâu sau đó, ông trở lại Nga để “buôn” mì gói.
Hồi mới nổi, nhiều người hỏi “nghe nói nhà nước cho ông học hành dữ dằn, học về vật lý hạt nhân (học vị Tiến sĩ) nhưng sao lại đi buôn mỳ gói?", người đứng đầu Masan trả lời tại Đại hội cổ đông 2019: “Hơn hai mươi năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhu cầu "no bụng" người Việt Nam là rất cấp thiết, cách tốt nhất và nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.
Đến một ngày, Masan phát hiện ra không chỉ riêng gì người Việt Nam mà còn 140 triệu người dân Nga cũng cần gói mì để giải quyết cơn đói lòng".
Nhưng Masan lại đối mặt với câu hỏi khó tiếp theo: người Nga chưa có thói quen ăn mỳ và tương ớt. Bài toán này cũng giống như câu chuyện bán giày kinh điển từng được giới kinh doanh truyền tai nhau được ông Quang từng kể lại.
Nhờ tư duy tinh tế nhìn ra cơ hội, thay vì chỉ phục vụ cộng đồng Việt kiều với khoảng 200.000 người, ông Quang hướng tới thị trường toàn người dân nước Nga với hơn 150 triệu người. Kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng mỳ gói và tương ớt sang Nga lúc cao điểm nhất lên tới 100 triệu USD mỗi năm, còn ông Quang sau này được ca ngợi là nhân vật “dạy người Nga cách ăn mỳ gói”.
Thừa thắng xông lên, vị doanh nhân xây dựng một nhà máy sản xuất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng, đồng thời bổ sung thêm các sản phẩm nước tương, nước mắm.
Ông trùm ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam
Sau khi Việt Nam mở cửa, ngoại hối đổ về nhiều, các tập đoàn đa quốc gia nhất là từ Mỹ bắt đầu đua nhau vào Hà Nội và TP. HCM để mở văn phòng đại diện, Việt kiều tứ xứ cũng về nước đông hơn trước. Ông Quang cùng nhiều du học sinh Đông Âu khác cũng trở về, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp ở quê nhà.
Việc quyết định đưa Masan Food về Việt Nam được cho là một quyết định đầy “táo bạo” của ông Quang vào năm 2001. Bên cạnh việc đưa Masan về quê nhà, cũng trong năm đó ông Quang đã cho ra mắt sản phẩm nước tương Chin-su. Chỉ trong vòng 1 năm các sản phẩm mang thương hiệu Masan đều đã có mặt trên thị trường Việt Nam.
Tháng 11/2004, CTCP Hàng hải Masan (MSC) được thành lập với số vốn điều lệ là 3,2 tỷ đồng. Vào tháng 7/2009, Hàng hải Masan được chuyển giao toàn bộ cho CTCP Tập đoàn Masan, tăng vốn từ 32 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho CTCP Tập đoàn Masan.
CTCP Tập đoàn Masan được chính thức đổi tên thành CTCP Masan (Masan Group) vào tháng 8/2009. Thời điểm này cũng đánh dấu một dấu mốc mới của Masan Group khi chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Để người dân cả nước biết đến các sản phẩm mới của Masan rộng rãi hơn, ông Nguyễn Đăng Quang không ngại chi mạnh tay vào việc quảng cáo. Điển hình năm 2018 ông đã chi tới 9 tỷ đồng cho 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo có thời gian kéo dài 30 giây trong trận Chung kết AFF Cup 2018. Những quảng cáo ấy là để quảng bá cho loại sản phẩm mỳ, tương ớt và xúc xích mới của thương hiệu Masan.
Giờ đây, nhìn xung quanh căn bếp của người Việt, từ nông thôn đến thành thị, khó mà tìm ra nơi nào không có ít nhất một sản phẩm của Masan. Theo một thống kê từng được Kantar Worldpanel thực hiện, 98% hộ gia đình trong nước sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan, không phải thịt, nước mắm, tương ớt thì cũng là mì gói.
Không dừng lại ở một đế chế hàng tiêu dùng, hệ sinh thái Masan Group đã phát triển thêm các nhánh mới, như khoáng sản với dự án Núi Pháo, lĩnh vực bán lẻ với Vinmart (mua lại từ Vingroup), chuỗi giá trị thịt với MEATlife, bên cạnh Techcombank mà ông Quang đã đầu tư từ những ngày đầu tiên về nước.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2023, Masan đạt doanh thu thuần 54.470 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hiện tại của công ty là hơn 14.000 tỷ đồng và EBITDA cho 12 tháng gần nhất là khoảng 14.000 tỷ đồng. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital.
Tuy nhiên, đà lao dốc của mã MSN gần đây khiến tài sản của ông Quang về dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu MSN đã giảm sâu, chẳng hạn như ngày 27/10 lùi về mức 57.800 đồng, vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Mức thị giá của cổ phiếu MSN hiện tại cũng tương đương vùng giá ông Quang rời khỏi top tỷ phú thế giới của Forbes trước đó. Giai đoạn cuối năm 2019 đến tháng 11/2020, Chủ tịch Masan cũng không có tên trong danh sách của Forbes khi giá cổ phiếu MSN lùi sâu về dưới 50.000 đồng.
Con gái tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa chi 600 tỷ mua cổ phiếu Masan (MSN)
Ông lớn Hàn Quốc SK Group hoàn tất chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu Masan Group