Doanh nghiệp

Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất loạt 'đại dự án', sẵn sàng chuẩn bị cho việc sáp nhập

Yến Nguyễn 30/03/2025 19:19

Quảng Nam đề nghị được đầu tư xây dựng một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với quy mô khoảng 15.000ha tại vùng Đông huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.

Chiều 29/3, tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Cuộc làm việc diễn ra trong bối cảnh chủ trương sáp nhập hai địa phương đang được nghiên cứu với định hướng chiến lược quan trọng.

Sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng: Là cơ hội lịch sử để vùng đất Quảng Đà vươn ra biển lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo Nghị quyết 18 là bước đi tất yếu nhằm tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Riêng với Đà Nẵng và Quảng Nam – vốn từng là một thể thống nhất trong lịch sử – việc hợp nhất là phù hợp, giúp mở rộng không gian phát triển và tạo ra động lực mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là cơ hội lịch sử để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn, hình thành một thực thể hành chính - kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh và khả năng cạnh tranh cao trong khu vực”.

Tổng Bí thư khẳng định, việc cải cách hành chính và sáp nhập địa giới lần này nhằm mục tiêu tái cấu trúc không gian phát triển tự nhiên, giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc và tái phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Hội nghị này nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của hai địa phương để sau khi Trung ương có quyết định chính thức, quá trình triển khai sáp nhập sẽ được thuận lợi, thống nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương sáp nhập hai địa phương không chỉ là cải cách hành chính, mà còn là bước đi chiến lược để tái định vị không gian phát triển vùng. Ông chỉ rõ:

  • Đà Nẵng đang đối diện với quy mô kinh tế nhỏ, GRDP chỉ chiếm 1,5% GDP cả nước, chưa thu hút được các tập đoàn lớn.
  • Quảng Nam có 6 huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng yếu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

“Ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Việc hợp nhất sẽ mở rộng dư địa tăng trưởng, kết nối chuỗi giá trị và tạo ra cực tăng trưởng mới của miền Trung,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

>> Quảng Nam đề xuất siêu đô thị 15.000ha, tạo 'cú hích' tỷ đô cho kinh tế miền Trung

Đà Nẵng xin cơ chế đặc thù, đề xuất dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng

Về phía Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng báo cáo GRDP giai đoạn 2012–2025 tăng trung bình 6,8%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 5.007 USD.

Thành phố kiến nghị tiếp tục được kế thừa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Kết luận 79-KL/TW và Nghị quyết 136/2020 của Quốc hội, ngay cả sau khi sáp nhập. Đà Nẵng cũng đề xuất giữ nguyên các quy hoạch đã được phê duyệt và tiếp tục điều chỉnh phù hợp với quy mô mới.

Ngoài ra, thành phố đề nghị được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng, hình thành khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối nội – ngoại đô.

uyuk
Vị trí dự kiến lấn biển xây khu thương mại tự do của Đà Nẵng

>> Dự án chống xói lở bờ biển Hội An hơn 982 tỷ đồng chính thức khởi công

Quảng Nam đề xuất phát triển khu đô thị thông minh 15.000ha

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lương Nguyễn Minh Triết, cho biết đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 96 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,56%.

Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai giai đoạn mới, mở rộng đến bờ Nam sông Thu Bồn. Ngoài ra, đề xuất được thí điểm cơ chế đột phá để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tương tự như những gì đang áp dụng tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, Quảng Nam đề nghị được đầu tư xây dựng một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với quy mô khoảng 15.000ha tại vùng Đông huyện Duy Xuyên và Thăng Bình. Tỉnh cũng mong muốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Đà Nẵng – Hội An – Tam Kỳ – Chu Lai để phát triển vùng Nam.

uyuk
Một phần khu kinh tế mở Chu Lai

>> Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam: Các ông lớn 'đổ xô' rót vốn, hút 200.000 tỷ trong 4 năm

Định hướng phát triển Đà Nẵng – Quảng Nam mới

Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận: “So sánh giữa hai địa phương, ưu thế của bên này sẽ hỗ trợ cho bên kia. Trong bối cảnh mới, việc điều chỉnh địa giới hành chính là yêu cầu cấp thiết để tái cấu trúc không gian phát triển và mở rộng dư địa tăng trưởng”.

Ông nhấn mạnh:

  • Đà Nẵng – Quảng Nam mới cần trở thành cực tăng trưởng mới của quốc gia.
  • Hướng đến một đô thị năng lực cạnh tranh cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
  • Là trung tâm kinh tế – xã hội miền Trung, tiên phong trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Việc sáp nhập Quảng Nam – Đà Nẵng, nếu thực hiện hiệu quả, không chỉ là bước đi tổ chức bộ máy hành chính, mà còn là “cơ hội lịch sử” để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn.

>> TP đáng sống nhất chính thức đón thêm trung tâm nghiên cứu chip bán dẫn 100% của người Việt

Tỉnh duy nhất tại Việt Nam 135 năm chưa từng đổi tên, sáp nhập hay chia tách: Không nằm trong 11 tỉnh thành 'giữ nguyên'

Đà Nẵng khởi công dự án 280 tỷ đồng, 'thay áo mới' cho 4 tuyến đường huyết mạch

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/da-nang-quang-nam-de-xuat-loat-dai-du-an-san-sang-chuan-bi-cho-viec-sap-nhap-285067.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất loạt 'đại dự án', sẵn sàng chuẩn bị cho việc sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH