Quảng Nam đề xuất siêu đô thị 15.000ha, tạo 'cú hích' tỷ đô cho kinh tế miền Trung
Ngoài đề xuất xây khu đô thị mới, Quảng Nam mong muốn được phê duyệt tuyến đường sắt đô thị nhằm thúc đẩy liên kết vùng.
Chiều 29/3, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đà Nẵng, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới, mở rộng phạm vi đến bờ Nam sông Thu Bồn.
Đề án này sẽ bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với cảng biển Chu Lai, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, dịch vụ, đô thị sinh thái biển và nông nghiệp công nghệ cao.
Quảng Nam cũng kiến nghị được áp dụng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế tương tự Nghị quyết 136/2024/QH15 đang triển khai tại Đà Nẵng.
Về phát triển đô thị, tỉnh đề xuất Trung ương cho phép đầu tư một khu đô thị thông minh, hiện đại với diện tích 15.000ha tại vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình.
Cùng với đó, Quảng Nam mong muốn được phê duyệt tuyến đường sắt đô thị kết nối Đà Nẵng - Hội An - Thăng Bình - Tam Kỳ - Chu Lai nhằm thúc đẩy liên kết vùng và tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực phía Nam tỉnh.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng báo cáo về quá trình thực hiện Nghị quyết 18, trong đó thành phố đã triển khai sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn.
Sau hợp nhất, Đà Nẵng dự kiến còn 12 phường, xã và một đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối hành chính. Thành phố cũng đề xuất Bộ Chính trị cho phép kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW và các Nghị quyết 136/2024/QH15, 170/2024/QH15. Các quy hoạch đã được phê duyệt vẫn tiếp tục triển khai, đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo quy mô mới.
Đối với lĩnh vực tài chính, Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính Việt Nam với các cơ chế đặc thù. Thành phố mong muốn trung tâm tài chính được áp dụng các chính sách đột phá như cho phép thành viên đầu tư, chuyển vốn, lợi nhuận ra nước ngoài khi tuân thủ chế độ báo cáo; áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt cho cơ quan quản lý và giám sát; thí điểm giao dịch tài sản mã hóa, đồng tiền mã hóa phổ biến và thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Tổng Bí thư, khu vực này không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn phải tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại. Do đó, cần tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, tận dụng lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại và các trung tâm du lịch chất lượng cao.
Tổng Bí thư yêu cầu quy hoạch phát triển phải đảm bảo cân bằng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, tránh tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà bỏ quên tiềm năng của Quảng Nam. Việc sáp nhập không chỉ là thay đổi về mặt hành chính mà còn là cơ hội lịch sử để hai địa phương cùng xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Sự hợp tác chặt chẽ, quy hoạch dài hạn và khát vọng phát triển chung sẽ giúp vùng đất Quảng - Đà vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.
>> Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất loạt 'đại dự án', sẵn sàng chuẩn bị cho việc sáp nhập
Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam: Các ông lớn 'đổ xô' rót vốn, hút 200.000 tỷ trong 4 năm
Hơn 1.440MW điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư Thái Lan 'mắc kẹt', Bộ Công Thương vào cuộc