Đà Nẵng thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn
Xác định vi mạch, bán dẫn là động lực tăng trưởng trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ với mong muốn thúc đẩy hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực thiết kế chip, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Qualcomm lên kế hoạch mở văn phòng R&D tại Đà Nẵng
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, mới đây đoàn công tác TP. Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Qualcomm tại TP. San Diego, California.
Đây là hoạt động hợp tác cụ thể thứ hai giữa Đà Nẵng và Qualcomm sau chuyến thăm và khảo sát trực tiếp của bà An Chen, Phó Chủ tịch kỹ thuật cấp cao Tập đoàn Qualcomm tại Thành phố vào ngày 11/1.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã giới thiệu thế mạnh của Đà Nẵng, trong đó nổi bật là các thế mạnh về hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.
Cụ thể, Thành phố hiện đang xây dựng 2 nghị quyết về chính sách đặc thù thu hút các trí thức Việt kiều trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về chuyển giao tri thức, công nghệ và chính sách hỗ trợ cho người tham gia đào tạo, người học ngành nghề chip bán dẫn và vi mạch.
Ngoài ra, Thành phố đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (Trung tâm DSAC) ngay từ đầu năm 2024 để sẵn sàng nguồn lực tiếp đón và làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này.
Cơ sở hạ tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 cũng đang được hoàn thiện để các doanh nghiệp, tổ chức có thể đặt trụ sở tại đây; liên minh các trường đại học trên địa bàn cũng bắt tay hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch và AI tại địa phương.
Qua thảo luận, Tập đoàn Qualcomm cho biết đang có kế hoạch mở Văn phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Đà Nẵng và đề nghị Thành phố cử đầu mối hỗ trợ để Qualcomm tiến hành việc mở văn phòng nghiên cứu về AI tại Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng (giai đoạn 1) trong năm 2024.
TP. Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa việc thành lập Văn phòng R&D của Qualcomm, đồng thời sẽ hợp tác với Qualcomm Academy triển khai một số khóa đào tạo gắn với chứng chỉ Qualcomm cho nguồn nhân lực tại Đà Nẵng. Hai bên cũng thống nhất hợp tác tổ chức các giải pháp và cuộc thi tìm kiếm tài năng, thử thách đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch... trong thời gian tới.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng
Dịp này, đoàn công tác Thành phố cũng đã đến thăm làm việc với Công ty AMR tại San Jose, bang California.
ARM là công ty cung cấp các thiết kế chip hàng đầu trong hầu hết điện thoại thông minh. Khách hàng của ARM là những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ và chip, bao gồm Apple, Nvidia, Google, Microsoft, Amazon, Samsung, Intel và TSMC.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh khẳng định, Thành phố xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng của Đà Nẵng trong thời gian tới. Mục tiêu của Thành phố qua các buổi làm việc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ là để tiếp xúc sâu, đặt vấn đề cụ thể với các đối tác đang có mong muốn thúc đẩy hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực thiết kế chip, đầu tư kinh doanh lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.
Ông Stephen Ozoigbo, Giám đốc công ty ARM cho biết, công ty đã thiết lập mối quan hệ hợp tác rất thân thiết với Việt Nam và đã tổ chức các buổi gặp và làm việc với các bộ, ngành Trung ương của Việt Nam trong thời gian qua.
Về cấp độ địa phương, ARM ủng hộ Đà Nẵng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Ông Stephen Ozoigbo nhận định, đây là thời điểm rất phù hợp để công ty ARM và Đà Nẵng tăng cường hợp tác. ARM rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo khu vực công và khu vực tư; mong muốn mở rộng mạng lưới đào tạo tại Đà Nẵng. ARM có kế hoạch đến Thành phố thăm và làm việc vào ngày 11/3 với sự tham gia của công ty VMO (đối tác của ARM trong đào tạo)…
Trước đó, Đoàn Công tác TP. Đà Nẵng cũng có buổi làm việc với Công ty Ampere tại TP. Portland.
Giám đốc Kỹ thuật và Sản xuất Ampere Rohit Vidwans cho hay rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng.
Đặc biệt đánh giá cao triển vọng phát triển của TP. Đà Nẵng và cho biết, công ty có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển thêm các phòng lab cũng như phát triển đội ngũ nhân sự tại đây. Ba nhóm nhân sự mà công ty đang hướng đến bao gồm kỹ sư phần mềm, kỹ sư lắp ráp, kiểm tra, đóng gói vi mạch (ATP), kỹ sư thiết kế.
Hà Nội bất ngờ được quy hoạch thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn
Hà Nội bất ngờ được quy hoạch thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn
Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh lĩnh vực vi mạch, bán dẫn