Đà Nẵng: Xu hướng khách du lịch đi lẻ chiếm 80%
(Chinphu.vn) – Trong 9 tháng qua, lượng khách du lịch đi lẻ đang chiếm tỉ lệ rất cao với khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng. Khách du lịch đi theo đoàn do lữ hành khai thác chỉ chiếm 15-20%.
Khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trong 9 tháng năm nay, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 5,8 triệu lượt, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt; khách nội địa đạt hơn 4,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Đà Nẵng dự kiến trong năm 2023, lượng khách lưu trú ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt, khách nội địa 4,9 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú lữ hành ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2022.
Top đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng gồm: Hàn Quốc đạt 770.211 lượt khách (48,1%), Thái Lan đạt 147.724 lượt khách (9,2%), Đài Loan (Trung Quốc) đạt 123.936 lượt khách (7,7%), Mỹ đạt 74.503 lượt khách (4,7%), Ấn Độ đạt 67.456 lượt khách (4,2%)...
Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, lượng khách du lịch đi lẻ đang chiếm tỉ lệ rất cao, với khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng, khách du lịch đi theo đoàn do lữ hành khai thác chỉ chiếm 15-20% tổng khách lưu trú.
Với chủ đề "Tận hưởng Đà Nẵng 2024", "Tận hưởng Đà Nẵng 2025", thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung 7 nhóm sản phẩm: Nhóm tận hưởng vui chơi, giải trí, mua sắm; nhóm tận hưởng ẩm thực; nhóm tận hưởng nghỉ dưỡng biển; nhóm tận hưởng MICE; nhóm tận hưởng golf; nhóm tận hưởng du lịch cưới; nhóm tận hưởng sắc màu lễ hội: Lễ hội pháo hoa, lễ hội tận hưởng mùa hè, lễ hội ánh sáng, lễ hội golf, các lễ hội giao lưu văn hoá Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Nhật Bản…
Đà Nẵng cũng tiếp tục tìm kiếm phân khúc thị trường mới, tiềm năng; phát triển các thị trường nội địa có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Bắc Âu.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, mặc dù Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm, tạo động lực hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng đến nay các dự án du lịch động lực vẫn chưa được khởi công, dẫn đến chậm hình thành các sản phẩm du lịch mới.
Các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước bước đầu phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tiền thuê đất... ảnh hưởng đến việc đầu tư làm mới sản phẩm hiện có, cũng như đầu tư hình thành sản phẩm du lịch mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, du lịch là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn phát triển của Thành phố. Thời gian qua, du lịch tiếp tục là điểm sáng nhất trong các lĩnh vực kinh tế, là động lực cần quan tâm thúc đẩy trong năm 2024.
Để phát triển du lịch, sự chuyên nghiệp và phải chuẩn bị từ sớm, từ xa là rất quan trọng và Đà Nẵng phải chuẩn bị và làm tốt hơn nữa trong năm 2024; tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Thành phố trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch, và những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp. Nhất là các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn du lịch, để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, khác biệt và mang tính lan tỏa, động lực.
Đồng thời từng doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, văn hóa cho doanh nghiệp và hơn hết là sự tham gia của người dân, để mỗi người dân là một đại sứ du lịch của Đà Nẵng.
Sân bay lọt top tốt nhất thế giới của Việt Nam sắp đón 3 dự án nâng cấp lớn trong năm 2025
4 dự án cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại TP. Đà Nẵng