Thành phố lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập dự kiến bổ sung gần 200 khu đất phát triển nhà ở xã hội và thương mại
Theo quyết định, thành phố sẽ để 69 khu vực để phát triển nhà ở xã hội, 122 khu vực sẽ để phát triển nhà ở thương mại.
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó bổ sung danh mục các khu vực dự kiến phát triển nhà ở trên địa bàn.
Cụ thể, thành phố xác định 69 khu vực dành cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, 15 khu đang triển khai dự án, phân bố tại các khu vực trước khi thay đổi đơn vị hành chính là quận Hải Châu (1 khu), quận Sơn Trà (2 khu), quận Ngũ Hành Sơn (3 khu), quận Liên Chiểu (7 khu) và huyện Hòa Vang (2 khu). Ngoài ra, 54 khu vực còn lại nằm trong kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tập trung tại quận Sơn Trà (1 khu), Ngũ Hành Sơn (7 khu), Liên Chiểu (12 khu), Cẩm Lệ (7 khu) và huyện Hòa Vang (27 khu).

Đối với nhà ở thương mại, thành phố lập danh sách tổng cộng 122 khu vực. Trong số này, 72 khu đã và đang triển khai, phân bố tại các khu vực trước khi thay đổi đơn vị hành chính gồm quận Hải Châu (14 khu), Sơn Trà (23 khu), Ngũ Hành Sơn (16 khu), Liên Chiểu (13 khu), Cẩm Lệ (2 khu), huyện Hòa Vang (2 khu) và 2 khu liên quận giữa Liên Chiểu và Hòa Vang.
Bên cạnh đó, 50 khu vực còn lại dự kiến được triển khai trong thời gian tới, phân bố tại các khu vực trước khi thay đổi đơn vị hành chính gồm Hải Châu (12 khu), Sơn Trà (11 khu), Ngũ Hành Sơn (5 khu), Liên Chiểu (5 khu), Cẩm Lệ (4 khu) và huyện Hòa Vang (13 khu).
>> Phó Cục trưởng nói sự thực giá nhà: Mua nhà 3 đến 4 tỷ, người trẻ cần tích cóp 20-25 năm
Trước đó, ngày 23/6, tại kỳ họp thứ 24 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025), Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng Nguyễn Hà Nam cho biết, thành phố được giao chỉ tiêu hoàn thành 12.800 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Tính đến hết giai đoạn 2021-2024, Đà Nẵng đã hoàn thành 3.445 căn. Riêng năm 2025, dự kiến hoàn thành thêm 1.807 căn, nâng tổng số lên hơn 5.200 căn.
Đồng thời, trong năm 2025, thành phố sẽ triển khai 15 dự án mới với tổng quy mô khoảng 10.239 căn hộ, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho cả giai đoạn.
Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 ban hành nêu danh sách 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau khi sáp nhập tỉnh thành. Trong đó, 2 thành phố trực thuộc Trung ương được giữ nguyên sau sáp nhập tỉnh thành là TP. Hà Nội và TP. Huế.
4 thành phố có sự thay đổi khi được mở rộng, hợp nhất với các tỉnh lân cận là TP. Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương), TP. Đà Nẵng (hợp nhất với tỉnh Quảng Nam), TP. HCM (hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương), TP. Cần Thơ (hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang).
Như vậy sau sáp nhập, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất, chạm mốc 11.859,6km2, tiếp đến là TP. HCM (6.772,6km2), Cần Thơ (6.360,8km2), Huế (4.947,1km2) và Hà Nội (3.359,8km2)
>> Thành phố đáng sống nhất Việt Nam sẽ có thêm dự án nhà ở xã hội hơn 1.200 tỷ