Không chỉ chốt đơn hàng giá trị cả 100 tỷ đồng trên chợ điện tử mới, thông qua video ngắn, các TikToker đã kể câu chuyện đằng sau mỗi nông sản, đặc sản Việt đều là “tấm chân tình” của người nông dân tới hàng tỷ người xem.
Nông sản “cháy hàng” trên những phiên livestream
Kết thúc những phiên livestream (phát sóng trực tiếp) bán các đặc sản tại chợ Bến Thành ở TP.HCM, Tiktoker Trần Phương Dung (kênh Ba Thức Food) nói: “Đây là những phiên livestream cuối của tụi em trong năm nay”.
Năm 2023, Phương Dung cùng với các KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), TikToker tham gia hơn 20 chuyến livestream bán và quảng bá nông sản, đặc sản tại các tỉnh, thành. Điều cô không ngờ là nông sản khi đưa lên chợ Tiktok lại đắt hàng đến vậy.
Cô nhớ, chỉ trong 5 phút đầu tiên livestream ở chợ Bến Thành đã chốt ngay 94 đơn hàng. Còn trong phiên live bán đặc sản tại Lâm Đồng, chỉ trong vài giờ, toàn bộ sầu riêng tại các kho đã “cháy hàng”.
>> Chợ hoa Tết xả hàng vẫn vắng người mua, ông chủ cũng trở nên 'cáu gắt'
Phương Dung cho biết, trước nay, bán nông sản tươi online không dễ vì liên quan đến vận chuyển. Người tiêu dùng cũng ngại mua nông sản online do e dè chất lượng cũng như thời gian chuyển hàng. Nhưng giờ đây Tiktok mở đa kho ở nhiều tỉnh, người tiêu dùng đặt mua trên các phiên livestream, chỉ vài tiếng sau là hàng sẽ được giao tới tay.
Không chỉ livestream bán nông sản, đặc sản vùng miền, trong các chuyến đi, các Tiktoker còn làm những video ngắn kể câu chuyện đằng sau mỗi nông sản, đặc sản Việt đều là “tấm chân tình” của người nông dân. Phương Dung cho biết, các video ngắn này đều thu hút hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người xem trên Tiktok.
Làm video ngắn quảng bá nông sản, livestream bán các sản phẩm này trên nền tảng Tiktok trở thành xu hướng thịnh hành của bạn trẻ hiện nay. Điều đáng nói, các Tiktoker đang bắt tay với người nông dân để đưa nông sản lên Tiktok Shop - chợ thương mại điện tử mới ở nước ta.
Hồi cuối tháng 6/2023, Tiktoker đổ bộ Bắc Giang để thực hiện chiến dịch truyền thông hashtag #Hello Bắc Giang và #Bắc Giang đa sắc” nhằm quảng bá du lịch, nông sản của tỉnh. Hơn 30 triệu người theo dõi các video về Bắc Giang trong khoảng thời gian này.
Tại "Chợ phiên OCOP" tỉnh Bắc Giang, những nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream trong 4 giờ, cán mốc gần 1,7 triệu lượt xem, chốt 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải thiều.
Không chỉ ở Bắc Giang, trong năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với TikTok mở “Chợ phiên OCOP 4.0” tại nhiều địa phương. Ở đó, các nhà sáng tạo nội dung sẽ quảng bá sản phẩm OCOP thông qua những video ngắn, đồng thời thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok.
Đơn cử, ở tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 8/2023, có 32 phiên livestream, thu hút 552.000 lượt xem, đem về doanh thu 340 triệu đồng.
Trong thời gian này, "Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản" sau 4 tiếng đồng hồ với 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem livestream, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông sản được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu.
Đặc biệt, "Chợ Phiên OCOP Hà Tĩnh" kéo dài 4 tiếng đã thu hút hơn 14,8 triệu lượt tiếp cận, 300.000 người xem, mang về doanh thu hơn 485 triệu đồng. Hay như các phiên livestream ở Cần Giờ có doanh số sản phẩm bán ra đạt hơn 900 triệu đồng…
Cuối tháng 12 vừa qua, thông qua 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành, các Tiktoker đã chốt 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người.
Thông tin từ TikTok Việt Nam, đơn vị này đã phối hợp tổ chức 25 sự kiện Chợ Phiên OCOP diễn ra khắp cả nước. Nhờ vào sự hỗ trợ của các đối tác, các nhà sáng tạo nội dung với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cũng như quảng bá du lịch nông thôn địa phương.
Tính đến quý IV/2023, đã có hơn 800 phiên livestream gắn logo Chợ phiên OCOP 4.0, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP. Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, Tiktok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan toả rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền.
Kết nối “người biết nói” với “người biết làm”
Ở nước ta, sản xuất nông sản, đặc sản là thế mạnh. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, riêng sản phẩm OCOP đã lên tới con số 11.000. Đây đều là sản phẩm nổi tiếng của các địa phương.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, dẫn số liệu thống kê của Tiktok, trước đây, mỗi ngày có khoảng 10 tỷ lượt người xem nhưng chưa có nội dung OCOP. Sau khi phối hợp để khởi động chương trình nội dung OCOP, tới nay, nền tảng này đã có gần 13.000 video nói về OCOP và hashtag #OCOP có tới 1,2 tỷ lượt xem.
Ngoài ra, Tiktok phối hợp cùng các nhà sáng tạo nội dung về địa phương để tổ chức phiên livestream kéo dài 4-6 tiếng như một ngày hội. Qua đó, giới thiệu văn hóa, con người, đặc sản địa phương. Các buổi livestream thu được kết quả rất tích cực.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - xu hướng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh trong những năm qua, đặc biệt, từ đại dịch Covid-19, đã làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng trên thế giới cũng như Việt Nam.
Với chương trình "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản" đã giúp cho các chủ thể OCOP có phương thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử Tiktok Shop.
Gần 11.000 sản phẩm OCOP sẽ là 11.000 câu chuyện kể về giá trị bản địa, câu chuyện về truyền thống, quy trình sản xuất, câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ, câu chuyện về chủ thể tạo ra sản phẩm…
Từ đó, có thể tạo ra cảm xúc, niềm tin của người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp buổi livestream. Nền tảng này đã tạo ra sự phù hợp để thúc đẩy xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông nghiệp nói chung và đặc biệt là sản phẩm OCOP, ông Tiến chia sẻ..
Ông cho rằng, còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông đặc sản có thể phát triển trên các chợ thương mại điện tử. Năm 2024, sẽ tổ chức các sự kiện livestream trong nước, thực hiện các phiên live cho cả khu vực Asean để giới thiệu bán các sản phẩm Việt Nam.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến mới đây của Metric cho thấy, năm 2023, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop, Sendo) đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Đồng thời, dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên 5 sàn thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023. Trong đó, livestream và bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán lẻ trong năm 2024.
Thực tế, sau mỗi chuyến đi livestream bán và quảng bá nông đặc sản, Trần Phương Dung và nhiều Tiktoker khác lại kết nối với các cơ sở sản xuất để làm đại lý bán hàng trên kênh của mình.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của chuyển đổi số. Chúng ta cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác.
Các bạn trẻ thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, nhanh nhạy với công nghệ số. Thế nên, nhà nông, doanh nghiệp,… là những “người biết làm” cần tính tới chuyện hợp tác với những “người biết nói” để quảng bá và bán nông sản trên các nền tảng mạng xã hội một cách chuyên nghiệp hơn.
>> Chợ hoa Tết xả hàng vẫn vắng người mua, ông chủ cũng trở nên 'cáu gắt'
Trường đại học châu Âu mở khoa về sáng tạo nội dung mạng xã hội
Hot girl Phan Thủy Tiên liên quan đến 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu là ai?