Vĩ mô

Đại án Việt Á và chuyện bản lĩnh cán bộ tránh ‘viên đạn bọc đường’

TS. Cù Văn Trung 15/01/2024 - 06:26

Đại án Việt Á, nơi mà nhiều cán bộ bị gục ngã, thỏa hiệp trước lợi ích để tư túi thì vẫn có người đủ bản lĩnh nói lời từ chối trước những "viên đạn bọc đường".

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đặt vấn đề: “Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm, cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy, nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có những vụ liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan cả Trung ương, cả cán bộ địa phương”.

Sự hối lỗi muộn màng

Thực trạng thời gian qua phản ánh rõ nhận định này, còn nhiều cán bộ vi phạm pháp luật mà cụ thể gần đây là đại án Việt Á được đưa ra xét xử, một số lãnh đạo từng là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng các bộ, ngành như Y tế, Khoa học công nghệ…

Trong lời nói sau cùng của các cán bộ vi phạm đều thể hiện sự ăn năn, hối lỗi về sai lầm của mình. Một số người bày tỏ nỗi hổ thẹn, xấu hổ với bạn bè, đồng chí và người thân.

Có thể thấy, xuyên suốt quá trình công tác lâu dài, rèn luyện và có cả sự cống hiến của các cán bộ lãnh đạo, quản lý là một thực tế sinh động nhưng ở khía cạnh khác, góc khuất về mặt trái của thời cuộc mà họ không vượt qua trước những cám dỗ ngặt nghèo của của lợi ích và đồng tiền chi phối.

Nhìn lại những tự sự, bộc bạch của các cá nhân vi phạm, dường như việc nhận thức, mường tượng về hậu quả vi phạm như thế ắt hẳn họ đã không đánh đổi?. Tuy vậy, những muộn màng suy tính, cân nhắc mong manh giữa được và mất đã không thắng thế, vượt lên để rồi sự thật phải hối hận phân trần trước tòa án và công luận như chúng ta đã thấy.

thanh danh 519.jpeg
Cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh và thuộc cấp được miễn trách nhiệm hình sự.

Cũng từ phiên tòa này, một tín hiệu đáng mừng, niềm tin về bản tính lương thiện của con người nói chung và đạo đức tốt đẹp của người cán bộ nói riêng lại được thắp lên trước tuyên bố của tòa án về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh và thuộc cấp của ông.

Hiện tượng này cho thấy, giữa "vũng lầy" của tình huống đại án Việt Á mà nhiều cán bộ dường như bị thỏa hiệp trước lợi ích để tư túi, vẫn có những cán bộ đã giữ vững bản lĩnh, kiên quyết nói lời từ chối trước những "viên đạn bọc đường".

Điều đó khẳng định rõ về tầm quan trọng của việc tự rèn luyện đạo đức, nâng cao nhận thức và gương mẫu trong thực thi công vụ. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, bền vững cần được khích lệ và khuếch đại hơn nữa để củng cố tinh thần của phần đa cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung.

Cách đây nhiều năm, sự rút lui chủ động, xin nghỉ công tác sớm của cựu Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự (tỉnh Quảng Nam), ông từng chia sẻ với báo chí rằng: “Mình giữ gìn bản thân một cách trọn vẹn để đến hôm nay mình trở về một cách thanh thản”, cho thấy việc giữ gìn đạo đức trong sạch, tránh điều tiếng là cả quá trình đối với sự nghiệp chính trị đối của mỗi cán bộ, đảng viên.

Sự phát triển, quá trình đi lên của mỗi cá nhân nói chung và đối với việc thăng tiến của người cán bộ nói riêng chính là việc hoàn thiện các chu trình của đời sống chính trị ở những giai đoạn khác nhau, để khi nhìn lại họ vẫn vẹn nguyên là mình. Điều này tưởng chừng như dễ dàng nhưng sẽ là vô cùng khó khăn trước rất nhiều cám dỗ, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như sự đan xen bởi các nhóm lợi ích công tư thường bủa vây, kề cạnh hiện nay.

Pháp trị và đức trị

Cũng tại Hội nghị của Ban Nội Chính Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban tổ chức Trung ương nêu lên rất nhiều biện pháp, giải pháp về mặt thể chế, kiểm soát quyền lực, công tác phân công, phối hợp giải quyết giữa các ngành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Nội chính Trung ương đề xuất 18 đề án lớn với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương.

Đó là bước tiến trong nỗ lực xây dựng các định chế, quy tắc và hàng lang pháp lý, nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý đến việc “tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu”.

Vẫn còn đó số ý kiến cho rằng, sử dụng các biện pháp về giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên hiện nay có phần ít hiệu quả. Tuy nhiên, cổ học Phương Đông đã từng chỉ dẫn “lấy nhu trị cương, lấy mềm thắng cứng” hay như dân gian thường nói “lạt mềm buộc chặt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh: “Pháp luật là quan trọng nhưng đạo đức nhân văn cũng rất quan trọng, nhiều khi còn bền vững hơn. Bên cạnh pháp trị, còn có đức trị”.

Như vậy, song song với quá trình hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên thì công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, nhân rộng cái đẹp, cái tốt những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội cần được nâng tầm hơn nữa.

Thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để làm sao cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà không e dè như chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã nêu lên trong hội nghị ngày 10/1 vừa qua.

>> Xét xử vụ Việt Á: Số phận tài sản của bị cáo Phan Quốc Việt

Xét xử vụ Việt Á: Số phận tài sản của bị cáo Phan Quốc Việt

'Đại án' Việt Á: Một bị cáo được tuyên miễn trách nhiệm hình sự

Vụ án Việt Á: Hai cựu Bộ trưởng lĩnh án tổng cộng 21 năm tù

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dai-an-viet-a-va-chuyen-ban-linh-can-bo-tranh-vien-dan-boc-duong-2239358.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đại án Việt Á và chuyện bản lĩnh cán bộ tránh ‘viên đạn bọc đường’
POWERED BY ONECMS & INTECH