Đại biểu Quốc hội: ‘Một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà’
Giá bất động sản tăng phi mã khiến người thu nhập thấp, công chức chật vật mua nhà. Trong khi đó, nhiều dự án thương mại bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực.
Ngày 21/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) bày tỏ quan ngại với tính khả thi của một số chính sách thí điểm. Ông nhấn mạnh, đất đai không giống các lĩnh vực khác bởi khi đã xây dựng công trình hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, hậu quả tiêu cực có thể không thể khắc phục được.
Trong bối cảnh đất nước đang hướng tới các mục tiêu an ninh lương thực và sử dụng tài nguyên bền vững, các chính sách thí điểm phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đại biểu cũng chỉ ra một thực tế khiến cử tri trăn trở về giá bất động sản hiện nay tăng chóng mặt, khiến nhiều lao động, công chức không thể mua nổi nhà ở. Ông thẳng thắn chia sẻ: "Người ta tính, một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà".
Bên cạnh đó, ông Long cho biết cử tri đặt câu hỏi rằng: Tại sao không có cơ chế nào tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội, trong khi dự thảo nghị quyết chỉ tập trung vào nhà ở thương mại? Ông cho rằng, những đối tượng yếu thế trong xã hội không được quan tâm đúng mức, điều này là vấn đề cần được cân nhắc lại.
Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Đồng Nai), nguồn: Quốc hội |
Đề cập đến phạm vi và cách thức thực hiện thí điểm, đại biểu Long nêu quan ngại về khả năng lạm dụng chính sách, đặc biệt trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đại biểu cho biết, có nhiều địa phương không vướng gì, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng các dự án thương mại sao cứ phải đồng loạt thí điểm toàn bộ. Do đó phạm vi thí điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng, không mở đại trà như đề xuất tại tờ trình.
Ông nêu vấn đề, trong các tài liệu liên quan đã đánh giá hết tất cả những hệ lụy, tiêu cực như chuyện đầu cơ đất đai, mua gom đất chờ lên giá, thu gom đất nông nghiệp. Việc thu gom này không còn là nguy cơ mà đã diễn ra cả chục năm nay.
Mặc dù dự thảo quy định chỉ được phép thí điểm tại khu vực đô thị và không vượt quá 30% diện tích quy hoạch tăng thêm, nhưng ông cho rằng cách nới room không khó. Quan trọng là 30% này nằm ở đâu, nếu rơi vào đất lúa, đất rừng thì không còn khả năng khắc phục.
Cùng quan điểm với các đại biểu khác, ông Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh: "Tấc đất tấc vàng, tài nguyên đất là vô giá". Ông chỉ ra thực trạng bất cập khi nhiều dự án nhà ở thương mại đã được triển khai từ Hà Giang đến mũi Cà Mau nhưng lại rơi vào tình trạng "không có người ở, xây nhà chỉ để bỏ hoang".
Trong bối cảnh này, ông đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc tiếp tục mở rộng thí điểm dự án nhà ở thương mại thêm 30%, trong khi nhu cầu cấp bách của người dân là nhà ở xã hội.
"Nhu cầu thực là nhà ở xã hội, tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không ban hành các Nghị quyết để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người thu nhập thấp, công nhân, những đối tượng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại?", ông Khánh bày tỏ băn khoăn.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai), nguồn: Quốc hội |
Theo ông, ở một số địa phương, người thu nhập thấp phải chờ đợi, thậm chí "5 lần 7 lượt" bốc thăm với hy vọng mua được căn nhà ở xã hội dưới 50 m², nhưng nguồn cung lại quá hạn chế. Ngược lại, nhiều dự án nhà ở thương mại sau khi xây dựng xong lại bỏ hoang, không có người ở, hoặc chỉ mua bán trên giấy tờ nhằm mục đích đầu cơ kiếm lời.
Ông Khánh nêu thực tế và cho rằng với các dự án bỏ hoang như vậy, thì việc mở rộng thí điểm có phù hợp hay không? Do đó, ông Khánh đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo cân nhắc các vấn đề nêu trên.
>> Quốc hội thống nhất chưa tăng lương công chức, lương hưu, trợ cấp trong năm 2025