Đại gia bất động sản Gia Lai xử lý xong 422 tỷ cho vay, cổ phiếu hướng lên mốc 3.000 đồng?
Cách đây không lâu, doanh nghiệp này đã bị CTCP Lilama 45.3 gửi đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã DLG - HOSE) vừa có công văn giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo kiểm toán bán niên 2023.
Cụ thể, trên báo báo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2022, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ: Tại ngày 31/12/2022, công ty đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền hơn 422 tỷ đồng và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi song chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế.
Giải trình vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty làm việc với một số tổ chức và cá nhân đã vay số tiền nêu trên để thực hiện đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ đồng thời có biên bản xác nhận công nợ và cam kết thống nhất lộ trình trả nợ.
Công ty cho biết đến thời điểm 15/8 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét) đã thu hồi đủ số tiền nói trên nên nên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 không còn kết luận ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
Đối với ý kiến ngoại trừ tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 về khả năng hoạt động liên tục, công ty cho biết đang từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ năm 2022 đến nay.
Ngày 17/7, công ty đã thực hiện ký hợp đồng thuê đơn vị thẩm định giá tài sản độc lập để định giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty và bên thứ 3 để xác định giá trị tài sản đảm bảo dư nợ vay ngân hàng, công ty đã cung cấp hợp đồng cho đơn vị kiểm toán.
Trong năm 2023, sau khi có kết quả chứng thư thẩm định giá tài sản, Đức Long Gia Lai sẽ cung cấp bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh cho kiểm toán để khẳng định khoản vay của công ty được đảm bảo bằng tài sản, có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục.
Về kết quả kinh doanh, 5 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của DLG khá trồi sụt; lợi nhuận các năm 2019, 2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ tới 1.197 tỷ;chi phí quản lý và chi phí lãi vay "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp. Lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6 vừa qua ghi nhận hơn 2.042 tỷ đồng.
Đáng nói, Đức Long Gia Lai cách đây không lâu đã bị CTCP Lilama 45.3 gửi đơn lên tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản và đã được Tòa thụ lý đơn.
Giải trình vấn đề này với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Đức Long Gia Lai cho biết có nợ Lilama 45.3 nhưng là khoản "rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản công ty".
Tổng tài sản của công ty gần 6.000 tỷ đồng, như vậy khoản nợ với Lilama 45.3 khoảng 18 tỷ đồng. Đức Long Gia Lai khẳng định khoản nợ trong khả năng thanh toán và công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
"Đại gia phố núi" Đức Long Gia Lai cũng thừa nhận công ty hiện gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng từ dịch bệnh và các vấn đề toàn cầu khác. Trong nước, việc tiếp cận vốn khó khăn, công ty không ngoại lệ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG cũng bị HOSE giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định đầu tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, với thông tin đã thu hồi hơn 400 tỷ đồng cho vay, cổ phiếu DLG cùng với DL1 và ITA bất ngờ kết phiên 25/9 trong sắc tím bất chấp VN-Index 40 điểm và thị trường có tới 900 mã giảm sàn.
Mở cửa phiên sáng 26/9, cổ phiếu DLG tăng 1,5% lên mức 2.810 đồng/cp. |