Đại gia gửi ngân hàng gần 1 tỷ USD, nỗi lo 'tiền nhiều để làm gì'?
Lượng tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng, dù lãi suất không còn hấp dẫn như trước. Phải chăng điều này phần nào cho thấy, doanh nghiệp và người dân đang không biết đem tiền đầu tư vào đâu?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dù lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn như thời điểm đầu năm, nhưng lượng tiền gửi vào nhà băng vẫn liên tục tăng cao.
“Thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản gần như đóng băng. Vàng và USD không ai quan tâm đến. Vậy thì đầu tư vào đâu? Kể cả lãi suất huy động có thấp hơn nữa có lẽ lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2023 lượng tiền gửi của dân tại các tổ chức tín dụng đạt mức kỷ lục 6,347 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,74 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 3,45% so với cuối năm ngoái.
Điều đáng chú ý là dòng tiền gửi của cư dân tiếp tục phá kỷ lục trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm kể từ đầu năm.
Theo biểu lãi suất huy động tại các ngân hàng ngày 28/7, hiện các ngân hàng đều đã đưa lãi suất về mức dưới 8%. Mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay từ 6-7,2%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi từ 6 – 12 tháng.
Với việc doanh nghiệp và người dân tập trung đem tiền gửi ngân hàng, điều này cho thấy một tín hiệu không lấy gì làm phấn khởi khi dòng vốn không được ưu tiên vào sản xuất.
“Chưa bao giờ tốc độ huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lớn như thế. Điều này cũng phản ánh ngược chiều là tốc độ tăng trưởng tín dụng rất chậm so với mọi năm. Nó phản ánh đúng bức tranh của nền kinh tế cũng như sức hút vốn của nền kinh tế hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Thực tế dù lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không biết đầu tư vào đâu được thể hiện rõ nhất qua báo cáo tài chính quý II của một số doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) báo cáo, tính đến cuối tháng 6, Sabeco đang có gần 23.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tương đương gần 1 tỷ USD.
6 tháng đầu năm nay, Sabeco thu về 712 tỷ đồng từ lãi gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Con số này tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 33% trong tổng lợi nhuận nửa đầu năm của Sabeco.
Trong khi đó, nửa đầu năm vừa qua doanh thu từ bán bia của Sabeco sụt giảm 1.500 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 12.911 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm 32% còn 1.210 tỷ đồng.
Đó là từ góc độ doanh nghiệp, về phía cá nhân, trao đổi với VietNamNet, chị Hà Hồng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay từ cuối năm 2022 chị đã bán hết các khoản đầu tư chứng khoán và bất động sản để đem tiền gửi ngân hàng sau khi nhận thấy dấu hiệu thoái trào của hai thị trường này.
Ngay cả khi dòng tiền đang có dấu hiệu đổ vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư như chị vẫn tỏ ra cẩn trọng khi chọn cách đứng ngoài quan sát.
“Bất động sản thì tôi nghĩ sẽ còn phải chờ thêm, chứng khoán thì đang có dấu hiệu hồi phục nhưng tôi nghĩ vẫn nên đứng ngoài quan sát thêm. Trong bối cảnh này, gửi tiền ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng vẫn là an toàn hơn cả", chị Hồng Anh nói đồng thời nhận định, mức lãi suất huy động trên dưới 7%/năm như hiện nay là mức hợp lý chứ không hẳn là thấp.
Viglacera và 'đại ngân hàng' của Nhật Bản hợp tác, thúc đẩy vốn đầu tư vào các khu công nghiệp
Chủ tịch VietinBank đề xuất 3 giải pháp đột phá cho chuyển đổi số ngành ngân hàng