Đại gia "kim cương đong cả ký" Nguyễn Phương Hằng bị bắt, chiếc ghế lãnh đạo Đại Nam ai ngồi?

25-03-2022 15:12|Bảo Trâm

Ngày 24/3/2022, Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với nữ CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò vôi"). Câu hỏi được đặt ra lúc này là ai sẽ ngồi vào chiếc ghế bà Hằng để lại?

Drama liên quan đến Hiền Hồ và ông Hồ Nhân chưa kịp lắng xuống, dư luận lại "ngỡ ngàng - ngơ ngác - bật ngửa" sau khi báo chí đồng loạt đứa tin bà Nguyễn Phương Hằng - nữ CEO Công ty Du lịch Đại Nam - Vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") vừa bị công an TP. HCM bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công ty cổ phần Đại Nam được ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò vôi") thành lập vào năm 1996 và đăng ký kinh doanh hơn 100 ngành nghề, hoạt động chính là bất động sản. Năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi") thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành. Bà Hằng cũng kiêm luôn vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam.

Vậy với vai trò Tổng Giám đốc điều hành nhưng hiện nay bà Hằng đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng, theo quy định pháp luật, vai trò điều hành doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra

Trao đổi với báo chí, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, với công ty cổ phần, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên trong Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Trường hợp bà Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị sẽ cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Về mặt quản lý, khi người đại diện pháp luật bị khởi tố bị can và tạm giam thì việc quản lý điều hành doanh nghiệp có thể sẽ giao cho cấp phó thực hiện hoặc do Hội đồng quản trị quyết định người tạm thay thế.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với tội danh bị khởi tố, bà Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Cụ thể, tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau.

Theo điều 331, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng kể chuyện lần đầu về nhà, được ông Dũng 'lò vôi' cho 100 tỷ

Giá outfit CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng sử dụng ngày 29/9 lớn hơn vốn hóa của 1.235 doanh nghiệp trên sàn

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-kim-cuong-dong-ca-ky-nguyen-phuong-hang-bi-bat-chiec-ghe-lanh-dao-dai-nam-ai-ngoi-123837.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đại gia "kim cương đong cả ký" Nguyễn Phương Hằng bị bắt, chiếc ghế lãnh đạo Đại Nam ai ngồi?
    POWERED BY ONECMS & INTECH