Đại học của Việt Nam lần đầu tiên có tiêu chí lọt top 500 thế giới
Ngôi trường này gia tăng vị trí trong top 700 thế giới và lần đầu tiên tiêu chí Mức độ ảnh hưởng lọt top 500 thế giới (vị trí 495).
Ngày 5/2, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ nhất của năm 2024. Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội gia tăng vị trí trong top 700 thế giới và lần đầu tiên tiêu chí Mức độ ảnh hưởng lọt top 500 thế giới (vị trí 495).
Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam và gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng thế giới (từ vị trí 671 lên vị trí 649) và xếp ở vị trí thứ 11 Đông Nam Á - tăng một bậc so với kỳ trước, xếp ở vị trí 140 châu Á - tăng 27 bậc so với kỳ trước.
Cũng trong kỳ xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 500 thế giới ở tiêu chí thông tin trực tuyến (impact) – đã cho thấy mức độ lan tỏa mạnh mẽ, bền vững về nguồn tài nguyên số và uy tín học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội tới cộng đồng giáo dục cũng như toàn xã hội.
Top 10 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt bảng xếp hạng Webometrics lần thứ nhất năm 2024 gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (vị trí 1.054), Trường Đại học Duy Tân (vị trí 1.115), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (vị trí 1.189), Đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 1.312), Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM (vị trí 1.550), Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (vị trí 1.712), Đại học Đà Nẵng (vị trí 2.057), Trường Đại học Cần Thơ (vị trí 2.068), Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM (vị trí 2.092).
Webometrics là Bảng xếp hạng tự động, đánh giá năng lực số hóa và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số về mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở về tài nguyên học thuật (openness) trên Google Scholar, và chỉ số trích dẫn khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus (excellence) của một cơ sở giáo dục đại học.
Trong kỳ xếp hạng này, Webometrics vẫn duy trì phương pháp xếp hạng như ở kỳ tháng 1/2021. Cụ thể, tiêu chí “Presence” (Lượng tài nguyên số hóa) đã được loại bỏ trong phương pháp xếp hạng, tiêu chí Visibility (Mức độ ảnh hưởng) có trọng số cao nhất (50%), tiếp theo là tiêu chí Excellence (Sự xuất sắc) có trọng số 40% và tiêu chí Transperency (Độ mở học thuật) có trọng số 10% - trong đó, tiêu chí Transperency (Độ mở học thuật) đã tiếp tục mở rộng số hồ sơ nhà khoa học được xem xét và đánh giá trên cơ sở dữ liệu Google Scholar lên tới 290 hồ sơ (top 21-310).