Dân du lịch kêu ca bị 'chặt chém', đảo ngọc Phú Quốc vắng đìu hiu
Gần đây, lượt khách đến Phú Quốc bị rớt thảm hại, ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có - giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm này, năm 2023 có thể được xem là một năm thất bát của ngành du lịch Phú Quốc khi lượng khách đến liên tục giảm. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, khi các điểm đến thi nhau bùng nổ lượng khách thì Phú Quốc lại đìu hiu, vắng vẻ.
Theo thống kê, trong 5 ngày nghỉ dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Ngay trong dịp lễ 2/9 vừa qua, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm kỷ lục trong lịch sử đảo này.
Đứng trước tình trạng lượng du khách giảm đột ngột, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch tại thành phố này đồng loạt triển khai nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách đến đảo ngọc như giữ nguyên giá dịch vụ, không tính phí phụ thu dịp lễ ngay mùa cao điểm.
Nhiều quản lý khách sạn, resort lớn tại Phú Quốc như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, Sea Sense Resort & Spa Phu Quoc, Best Western Premier Sonasea Villas Phu Quoc… cũng thông báo với các đối tác không phụ thu phí dịch vụ. Điểm đến "hot trend" một thời Sunset Sanato Resort and Villas Phú Quốc cũng giảm giá phòng lên đến 15%; ngoài ra có combo lưu trú, ăn uống tại nhà hàng tiết kiệm đến 20%, các dịch vụ spa giảm 10% cho khách lưu trú và không tính phí phụ thu trong những ngày lễ.
Chung sức kích cầu, các hãng hàng không cũng hỗ trợ điều tiết giảm nhẹ giá vé máy bay tới đảo ngọc trong 3 tháng cao điểm hè. Bên cạnh đó, một số khu du lịch, khách sạn tổ chức rất nhiều chương trình truyền thông, quảng bá điểm đến quy mô lớn, hỗ trợ TP biển đảo ghi dấu ấn hình ảnh "thiên đường nghỉ dưỡng" trong lòng du khách quốc tế.
Doanh nghiệp nỗ lực "cứu" nhưng người dân ra sức chặt chém
Thế nhưng, mọi nỗ lực gần như không có hiệu quả. Một trong những lý do chính khiến lượng khách du lịch tới Phú Quốc giảm mạnh mẽ như vậy có thể là do chất lượng phục vụ du khách ở hòn đảo xinh đẹp này đang dần xuống cấp.
Gần đây, không ít vụ việc khách du lịch Phú Quốc đăng đàn bị "chặt chém" không thương tiếc.
Anh A sau khi đã trải nghiệm Quy Nhơn năm 2022 và Phú Quốc năm 2023 cho biế, nếu một suất ăn ở Quy Nhơn theo tour khoảng 150.000 đồng một bữa, nhưng ở Phú Quốc mọi thứ đều đắt gấp đôi. Kể cả buffet sáng ở khách sạn bốn sao tại Quy Nhơn cũng đầy đặn hơn ở Phú Quốc. Giá tour ở Quy Nhơn cũng rẻ hơn ở Phú Quốc khá nhiều.
Bên cạnh đó, các tour ở Phú Quốc tương đối nghèo nàn, gần như ngày nào cũng cho khách vào 2-3 điểm bán đồ lưu niệm (mỗi điểm mất 1-2 tiếng đồng hồ). Nhiều địa điểm như đồi sim, rừng tiêu, xưởng nước mắm... thực ra không có gì cả. Trong khi đi tour Quy Nhơn, tôi thấy chỉ có hai địa điểm bán đặc sản.
Còn theo chị H cho biết, vừa rồi cả nhà tôi đi du lịch Phú Quốc, tài xế xe16 chỗ chở chúng tôi vào quán hải sản dọc bờ biển. Sau khi ăn xong, chủ quán tính tiền giá 14 triệu đồng cho một buổi ăn tầm thường, không xa xỉ.
Trong khi khi đó, đợt lễ 30/4 vừa qua cả nhà tôi ăn ở Phan Thiết, món ăn tương tự như vậy chỉ hết có 8 triệu đồng. Nếu tình trạng chặt chém để chia chác cho tài xế với mức hoa hồng 20-30%, tôi sẽ không quay lại đây.
Không chỉ có các quán ăn có giá cao hơn bình thường, tại khu chợ đêm ở Phú Quốc thì bán đồ với giá "cắt cổ".
Theo chia sẻ của một số du khách, nếu như Phú Quốc bán giá như nào thì họ chỉ muốn bán một lần rồi thôi chứ không đa dạng hàng hóa, giá cả hợp lý như các chợ đêm ở Thái Lan.
Một trường hợp khác, một khách du lịch tại Phú Quốc đã chia sẻ về việc mua một hộp cá viên chiên với giá 500.000 đồng. Trong khi đó nếu ở những nơi khác, một hộp đồ ăn như vậy chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói gì trước thông tin khách du lịch bị "chặt chém"?
Theo chia sẻ vào tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - ông Huỳnh Quang Hưng cho biết, nguyên nhân chính do khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4.2023, một số chặng bay từ các nơi đến Phú Quốc tăng giá vé so với cùng thời điểm. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng tăng trở lại khiến nhiều du khách e ngại khi đi du lịch. Ngoài ra, học sinh các nơi đang chuẩn bị vào các kỳ thi cuối năm, thi kiểm tra năng lực… khiến cho lượng khách đến Phú Quốc giảm nhiều.
"Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân chính vẫn là giá vé máy bay quá cao dẫn đến tổng chi phí chuyến đi của du khách cao khiến nhiều người e ngại khi đến Phú Quốc", ông Hưng nói.
Về thông tin phản ánh "chặt chém", giá hải sản tăng 2 - 3 lần ông Hưng khẳng định là không có cơ sở xác thực. "Chúng tôi cũng mong rằng sẽ có những chứng cứ như hóa đơn, phiếu thu… để chúng tôi có cơ sở kiểm tra và xử phạt các cơ sở buôn bán đó", ông Hưng nói.
Ông Hưng lí giải, giá dịch vụ ở Phú Quốc chắc chắn sẽ cao hơn ở các địa phương khác vì còn phải chịu nhiều chi phí vận chuyển. Hoặc chi phí ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp phải cao hơn chi phí ở các quán ăn bình thường.
"Trong suốt thời gian qua, đường dây nóng ở Phú Quốc chưa hề nhận được thông tin phản ánh nào của du khách về nạn chặt chém ở địa phương này"- ông Hưng nhấn mạnh và cho biết, để khắc phục tình trạng vắng du khách, UBND TP.Phú Quốc sẽ có báo cáo với UBND tỉnh và Sở Du lịch.
Nhận nhà 5 năm vẫn không có sổ đỏ, cư dân Tecco Skyville giăng băng rôn đòi quyền lợi
2 tỷ phú quốc tế 'xông đất', hứa đưa Bình Định thành trung tâm du lịch siêu sang
Đảo ngọc của Việt Nam được lựa chọn làm nơi tổ chức Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2027