Dù báo lãi mạnh quý II và bán niên 2022 song tình hình tài chính của Tập đoàn Danh Khôi (NRC) đến thời điểm này là không mấy sáng sủa.
CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã NRC - HNX) - vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 106 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ đạt 1,8 tỷ) - gấp 2 lần quý I. Giá vốn bán hàng chỉ 16,6 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 89 tỷ.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính ở mức 6,5 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay và thoái vốn). NRC hiện ghi nhận khoản phải thu đối với một cá nhân - Nguyễn Đình Tú đạt 27 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng mạnh lên mức 25,9 tỷ đồng - gấp 5 lần mức gần 5 tỷ trong quý I (chủ yếu là chi phí lãi vay).
Được biết tính đến cuối quý II/2022, tổng nợ của NRC ở mức 880 tỷ đồng. Các khoản vay ngắn hạn phải trả là 387 tỷ đồng trong đó nợ thuế tiếp tục gia tăng lên mức 132 tỷ đồng và 184 tỷ vay - nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng 73% so với đầu năm). Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của NRC lần lượt ở mức 2.194 tỷ và 1.313 tỷ đồng.
Đối với khoản vay dài hạn, NRC cũng có khoản nợ vay tài chính gần 427 tỷ đồng - tăng thêm 53 tỷ so với thời điểm 31/12/2021.
Nợ vay cao là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí lãi vay của Danh Khôi tăng vọt trong quý II.
Phần lớn các khoản vay của Danh Khôi ghi nhận đến thời điểm hiện tại đều được thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do công ty và bên thứ 3 sở hữu cũng như nhiều tài sản và xe ô tô các loại.
Quý 2, ngoài hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng tốt thì NRC có thêm 67 tỷ đồng lợi nhuận khác nên lãi sau thuế lên đến 106 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, NRC đạt tổng doanh thu 157 tỷ đồng - gấp gần 33 lần so với cùng kỳ 2021; lãi sau thuế đạt 108 tỷ đồng (bán niên 2021 lỗ 69 tỷ). Thặng dư lợi nhuận chưa phân phối gần 390 tỷ.
Dù đạt kết quả khả quan 6 tháng đầu năm nhưng dòng tiền của NRC đang đặt ra khá nhiều câu hỏi cho giới đầu tư. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư đều âm nên dù NRC đã phải vay thêm hơn 133 tỷ đồng 6 tháng nhưng lượng tiền mặt và tương đương tiền cuối quý 2 chỉ còn vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng. NRC hiện đang đối mặt với nhiều khoản vay này sắp đến hạn thanh toán. Tại 30/6/2022, nhóm BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của NRC trong đó Ngân hàng BIDV cho vay ngắn hạn 178 tỷ đồng và Chứng khoán BIDV (BSC) cho vay 360 tỷ đồng trái phiếu (đáo hạn năm 2023).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NRC đã giảm mạnh từ mức 23.300 đồng hồi đầu tháng 4/2022 về mức 14.000 đồng (thời điểm cuối tháng 7) trước khi hồi lên vùng giá 15.xxx đồng ở thời điểm hiện tại.
Hiện công ty đang có 4 cổ đông lớn bao gồm 3 cá nhân và 1 tổ chức trong đó 2 cổ đông cá nhân Hà Thị Kim Thanh và bà Đào Thị Bạch Phượng đã liên tục bán giảm tỷ lệ sở hữu thời gian qua.
Giá chung cư trăm triệu/m2, ông lớn bất động sản dồn dập khoe lãi
Nợ thuế đến hàng nghìn tỷ đồng, loạt 'ông lớn' bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan