Danh tính vị đại gia U90 mua đứt nửa ngôi làng xây lăng mộ 800m2 lớn nhất Việt Nam, chứa 42 cột trụ đỡ mái nặng hàng nghìn tấn
Đặc biệt, trong lăng mộ còn có tượng của vua Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của nhà Lý cùng tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi nhắc đến đến làng Mẹo tức làng Phương La (xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình), nhiều người không khỏi bất ngờ trước công trình lăng mộ Đức Hoằng Nghị Đại Vương.
Công trình đồ sộ này thuộc về đại gia Trần Văn Sen (SN 1940), hiện ông là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen. Để tiến hành xây dựng lăng mộ này, đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng làng Mẹo.
Cũng không biết phải gọi công trình này thế nào cho chính xác, người thì gọi đây là đền thờ vì xưa kia tại mảnh đất ông Sen xây dựng có một ngôi đền nhỏ rất linh thiêng được dân làng gọi là Đền Nhà Ông. Dưới thời nhà Trần có một người tên là Trần Hoằng Nghị, đó cũng chính là đức tổ Hoằng Nghị Đại Vương, sau khi qua đời được người dân chôn cất tại đây và lập đền thờ. Sinh thời, Hoằng Nghị Đại Vương là cha đẻ của thái sư Trần Thủ Độ, ông đã dạy dân làng Mẹo trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi nên rất được lòng dân làng. Để tỏ lòng tôn kính với người đã mất, ông Sen quyết định giữ lại ngôi mộ và cho xây dựng lăng mộ với kiểu kiến trúc đồ sộ hoành tráng nhất Việt Nam. Chính vì những lý do trên, nên người dân trong làng gọi công trình này là lăng mộ.
Để xây dựng lăng mộ này, tỷ phú Trần Văn Sen đã phải mất hàng chục năm tham khảo, học hỏi, và chi tới cả tỷ đồng thuê các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Theo thiết kế ban đầu, lăng mộ sẽ cao 51m, để người bên kia sông Hồng vẫn nhìn thấy lăng mộ, tuy nhiên, do nền đất yếu, công trình lại quá nặng, lún sâu cả mét, nên phải rút ngắn độ cao, rút bớt nhiều hạng mục.
Ngay từ lúc lên phương án thiết kế, móng lăng mộ đã được các kiến trúc sư đặc biệt quan tâm nên để có một nền móng tốt ông Sen đã cho thợ đào sâu 4,2m và tiến hành cho đổ bê tông kín đặc, tạo thành một lớp rất dày bao quanh tầng hầm để làm nơi thờ cúng phần mộ của Đức Hoằng Nghị Đại Vương. Móng của lăng mộ còn được làm nổi lên so với mặt đất cao 2,5m. Khi đứng từ dưới tầng hầm nhìn lên có thể thấy mái lăng mộ gồm 3 lớp bê tông xếp chồng lên nhau rất tráng lệ. Công trình được làm bằng đá xanh nguyên khối được chạm khắc tinh xảo cầu kỳ, bên cạnh đó ông Sen đã đưa hình thù điêu khắc con rồng thời Trần về trước ngôi đền rất uy nghi, nghiêm trang.
Các kiến trúc sư đã khéo léo đưa nét kiến trúc cổ vào ngôi đền với hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” được các nhà sử cho là phù hợp với kiến trúc đời Lý và Trần.
Bên trong được xây dựng với tổng diện tích 800m2, gồm 42 cột trụ lớn nhỏ đỡ lấy phần mái nặng hàng nghìn tấn. Bởi ngôi đền của ông Sen mang nét kiến trúc thời nhà Trần nên nơi đây có cả những pho tượng vua quan đời Trần được điêu khắc cầu kỳ và làm bằng đồng, ngoài phủ vàng óng ánh thể hiện sự đầu tư của ông Sen.
Tại tầng 2 của của lăng mộ là nơi thờ Đức Hoằng Nghị Đại Vương cùng 4 vị phu nhân. Còn tầng 3 là nơi thờ 4 vị Thủy tổ của nhà Trần cùng các vị vua và các quan quân thân cận. Đặc biệt, trong lăng mộ còn có tượng của vua Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của nhà Lý cùng tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu tầng chính của ngôi đền được trang hoàng bởi các pho tượng thì tầng hầm lại được xây dựng với 20 phòng thông nhau để con cháu hội họp, nghỉ ngơi uống nước và lưu trữ các đồ cổ quý hiếm. Công trình được hoàn thành sau 9 năm xây dựng khi bắt đầu khởi công vào tháng 6-2002.
Đến thời điểm hiện tại, dù đã ngoài 80, song đại gia Trần Văn Sen vẫn nắm quyền cao nhất tại Tập đoàn Hương Sen, bên cạnh sự hỗ trợ quản lý của các thành viên gia đình.
Cơn sốt bầu cử Mỹ khiến giá vàng thế giới tăng cao nhất lịch sử
Đại gia BĐS Hải Phòng báo doanh thu tăng gấp 6 lần, hơn 1.200 tỷ đồng hàng thành phẩm chờ bàn giao