Đào móng xây tàu điện ngầm ở nước gần Việt Nam, công nhân phát hiện mộ cổ ẩn chứa loạt 'kho báu' khủng
Phát hiện này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý rộng rãi của giới khảo cổ Trung Quốc, đồng thời gây chấn động giới y học nước này.
Vào năm 2012, khi Thành Đô tiến hành xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, ba ngôi mộ cổ đã được khai quật. Mặc dù những ngôi mộ này đã bị trộm cướp từ lâu, tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là những kẻ trộm, có lẽ vì quá vội vàng hoặc bị của cải làm mờ mắt, đã bỏ qua "kho báu" quan trọng nằm ẩn dưới những chiếc quan tài. Chính kho báu này sau đó đã gây chấn động giới y học Trung Quốc.
Cụ thể, vào tháng 7/2012, khi đang tích cực triển khai xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 3, hàng loạt máy móc hạng nặng hoạt động hết công suất, công nhân tất bật thi công, đào móng đến tận đoạn Lão Quân Sơn, vùng ngoại ô phía Bắc của Thành Đô, Tứ Xuyên.
Bất ngờ, một hố lớn và tối tăm xuất hiện, thu hút sự chú ý của mọi người. Ngay lập tức, họ nhận ra đó là một ngôi mộ cổ và nhanh chóng báo cáo cho các chuyên gia thuộc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Thành Đô.
Xie Tao, một chuyên gia về di tích văn hóa, nhanh chóng có mặt tại hiện trường và thận trọng trèo vào bên trong ngôi mộ cổ tối tăm, nặng mùi ẩm mốc. Khi bật đèn pin, ông phát hiện không gian bên trong khá rộng rãi. Với kinh nghiệm lâu năm, ông lập tức phán đoán rằng đây có thể là một ngôi mộ từ thời nhà Hán.
Đoàn chuyên gia sau đó bắt đầu công việc khai quật và bảo vệ di tích. Khi toàn bộ lăng mộ dần lộ diện, các chuyên gia nhận thấy dấu vết của những kẻ trộm mộ. Nếu bị đánh cắp từ thời cổ đại, chúng thường chỉ lấy vàng bạc và một số đồ vật có giá trị. Nhưng nếu bị trộm trong thời gian gần đây, gần như toàn bộ các di tích văn hóa quan trọng sẽ bị cướp sạch.
Đi sâu nghiên cứu khảo cổ học, các chuyên gia đã phát hiện ra tổng cộng có ba ngôi mộ lớn, sau đây được gọi là lăng số 1, 2 và 3.
Kho báu số 1
Tại lăng mộ số 1, các chuyên gia phát hiện một "kho báu" vô cùng quý giá nằm ngay bên dưới quan tài. Đó không phải là vàng bạc hay châu báu như mong đợi mà là những cuốn sách thẻ tre được viết tay cùng một vài đồng xu cổ. Khám phá này khiến đội khảo cổ vô cùng phấn khởi.
Tổng cộng có hơn 50 thẻ tre được tìm thấy tại lăng mộ số 1. Sau khi cẩn thận thu nhặt, các chuyên gia ngay lập tức đặt chúng vào hộp bảo quản, nhằm tránh sự tác động của không khí và vi khuẩn.
Trong số các thẻ tre có thẻ khắc dòng chữ: "Gia tộc họ Cảnh". Điều này cho thấy chủ nhân của lăng mộ có họ là Cảnh. Qua nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện họ Cảnh là một gia tộc quý tộc thuộc nước Chu, từ đó suy ra chủ nhân của lăng mộ có nguồn gốc từ nước Chu, sau đó di cư đến Tứ Xuyên sinh sống.
Để xác định niên đại chính xác của lăng mộ, các chuyên gia đã tập trung vào việc nghiên cứu những đồng xu được khai quật. Trong số đó, có đồng xu từ thời nhà Hán và cả từ thời nhà Tần. Dựa vào đồng xu mới nhất, họ xác định chủ nhân của lăng mộ đã sống vào đầu thời nhà Hán, có khả năng được chôn cất trong thời trị vì của Hán Cao Hậu và không muộn hơn thời Hán Cảnh Đế trong lịch sử Trung Quốc.
Kho báu số 3 - Gây chấn động y học Trung Quốc
Sau khi hoàn tất việc khai quật lăng mộ số 1, đội khảo cổ đã chuyển hướng sang lăng mộ số 3 (việc khai quật lăng mộ số 2 bị trì hoãn do còn có các tòa nhà bên trên vẫn chưa được giải phóng). Cũng giống như lăng số 1, lăng số 3 đã bị bọn trộm mộ xâm phạm. Các di vật văn hóa tinh xảo bên trong đã bị đánh cắp từ lâu.
Với kinh nghiệm thu được từ lăng mộ đầu tiên, các chuyên gia tiếp tục tìm kiếm phía dưới đáy quan tài. Đúng như dự đoán, bên dưới đó họ đã phát hiện ra một "mật thất" nhỏ. Tuy nhiên, mật thất này lớn hơn nhiều so với lăng mộ số 1.
Các chuyên gia khảo cổ đã thu được một số lượng lớn đồ tang lễ từ lăng mộ số 3. Thật tiếc, hầu hết các hiện vật tinh xảo bằng vàng, bạc và đồng đã bị bọn trộm mộ lấy đi, chỉ còn lại một số mảnh gỗ và đồ sơn mài.
Khi nhóm khảo cổ cẩn thận làm sạch bùn trên bức tượng gỗ sơn mài, họ đã rất bất ngờ khi nhìn thấy trước mắt là một bức tượng gỗ hình người. Theo tập tục cổ xưa, những bức tượng này tượng trưng cho người hầu theo chủ nhân lăng mộ xuống âm phủ. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn, các chuyên gia phát hiện rằng những đường nét trên bức tượng thực chất mô phỏng kinh mạch của cơ thể con người.
Điều này khiến các chuyên gia phấn khích tột độ. Họ nhận định ban đầu rằng chủ nhân của lăng mộ số 2 có thể là một thầy thuốc danh tiếng thời xưa.
Trước đó, vào năm 1993, những bức tượng gỗ hình người có vẽ các đường kinh mạch đã được phát hiện trong lăng mộ thời nhà Hán tại Song Bảo Sơn, Miên Dương, Tứ Xuyên. Từ đó, các chuyên gia cho rằng y học cổ truyền Trung Quốc chỉ bắt đầu phát triển mạnh dưới triều đại Hán Vũ Đế.
Lý do là huyệt đạo đóng vai trò quan trọng trong y học cổ truyền và vị trí các huyệt đạo trên tượng kinh mạch càng rõ ràng càng cho thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật châm cứu thời xưa. Tuy nhiên, khi những bức tượng người với kinh mạch được khai quật từ lăng mộ nhà Hán tại Lão Quân Sơn, các hiểu biết về sự phát triển của y học cổ truyền Trung Quốc đã phải điều chỉnh, đẩy lùi gần 100 năm so với dự đoán ban đầu.
So với những tượng kinh mạch ở Song Bảo Sơn, các tượng tại Lão Quân Sơn có kích thước nhỏ hơn. Các chuyên gia đã dùng hóa chất đặc biệt để làm sạch bức tượng kinh mạch được khai quật từ lăng mộ số 3 ở Lão Quân Sơn, rồi cẩn thận quan sát từng chi tiết dưới kính lúp.
Trên thân bức tượng kinh mạch, các huyệt đạo hiện lên một cách dày đặc, kèm theo mỗi huyệt là những dòng chữ nhỏ được ghi chú cẩn thận. Từ những dòng chữ nhỏ có thể dễ dàng nhận ra các huyệt đạo liên quan đến cơ quan nội tạng, khuôn mặt và tứ chi của con người.
Các kinh tuyến phức tạp được thể hiện tỉ mỉ trên toàn bộ tượng, với tim, gan, lá lách, phổi đều được đánh dấu rõ ràng. Thậm chí, các huyệt đạo trên vai và quanh rốn cũng được chú thích chi tiết. Sự tỉ mỉ này khiến các chuyên gia khảo cổ không khỏi khâm phục.
Khi phát hiện văn bản trên các di tích văn hóa từ những ngôi mộ cổ, các chuyên gia luôn biết rằng chúng sẽ góp phần làm phong phú thêm lịch sử Trung Quốc. Trong đó, bức tượng nhỏ khai quật từ lăng mộ số 3 tại Lão Quân Sơn đã thực sự gây chấn động trong giới y học.
Sinh viên nghiên cứu y học cổ truyền Trung Quốc thường chỉ tiếp xúc với các tượng đồng châm cứu có từ thời Bắc Tống. Vì vậy, không ít người lầm tưởng rằng châm cứu chỉ phát triển từ thời nhà Tống.
Thực tế, châm cứu đã tồn tại hơn 4.000 năm và những bức tượng kinh mạch khai quật từ lăng mộ nhà Hán tại Lão Quân Sơn đã khẳng định rằng kỹ thuật châm cứu đã phát triển thuần thục từ thời nhà Hán.
Niềm vui của các chuyên gia khảo cổ càng tăng khi họ phát hiện thêm hơn 900 thanh gỗ mỏng, ghi đầy những chữ cổ. Do chưa thể giải mã được những ký tự này, các chuyên gia ở Thành Đô đã mời Tiến sĩ Wu Jiabi, một chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học Trung Quốc, đến để giải mã.
Khi cầm những thanh gỗ lên, Tiến sĩ Wu Jiabi kinh ngạc thốt lên rằng đây là những dòng chữ viết về y thuật của Biển Thước (407 TCN - 310 TCN) – một vị thầy thuốc nổi tiếng thời Chiến Quốc và là người sáng lập phương pháp chẩn đoán mạch trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, ông được người đời gọi là Biển Thước, tên của một loài chim linh thiêng trong thần thoại Trung Hoa, để tôn vinh tài năng y học xuất chúng của ông. Việc phát hiện ra những thanh gỗ viết về y thuật của Biển Thước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu sự phát triển của y học cổ truyền Trung Quốc, đồng thời mở ra một kho tài liệu quý báu về y thuật cổ xưa. Theo các ghi chép lịch sử, y thuật của Biển Thước đã bị thất truyền trong hàng nghìn năm.
Vào năm 2022, tức là sau 10 năm kể từ khi phát hiện kho báu này, tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) đưa tin rằng các chuyên gia từ Viện Lịch sử và Tài liệu Y học Trung Quốc, Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thành Đô, Trung tâm Bảo vệ Di tích Văn hóa Kinh Châu và Viện Văn hóa Thành Đô đã hoàn tất việc biên soạn 900 thanh gỗ mỏng thành 8 cuốn sách y học quý giá. Nhờ đó, bộ sách y khoa từ hàng nghìn năm trước đã được “tái bản,” mở ra cơ hội cho Trung Quốc nghiên cứu và bảo tồn "kho báu vô giá" này.
Kho báu số 2
Việc khai quật lăng mộ số 2 đã bị trì hoãn đến năm 2013, nguyên nhân là trên khu vực lăng mộ có nhiều tòa nhà thương mại. Khi nhóm khảo cổ tiến hành khám phá từng lớp đất, nhiều phát hiện lịch sử quan trọng đã được hé lộ.
Xét về diện tích, lăng mộ số 2 lớn hơn so với hai ngôi mộ còn lại và cũng cho thấy tay nghề tinh xảo hơn. Điều này cho thấy chủ nhân của ngôi mộ số 2 có thể là người có địa vị cao quý nhất trong ba ngôi mộ ở Lão Quân Sơn.
Tuy nhiên, mọi người đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện một hài cốt được tìm thấy bên ngoài quan tài. Khi mở nắp quan tài, các chuyên gia nhận ra rằng hài cốt bên ngoài chính là của chủ nhân ngôi mộ. Điều này cho thấy bọn trộm mộ đã di chuyển hài cốt ra khỏi quan tài để dễ dàng cướp bóc. Phát hiện này cũng chứng tỏ rằng chủ nhân của lăng mộ số 2 đã bị trộm mộ cướp bóc không lâu sau khi được chôn cất.
Sau 30 ngày dọn dẹp lăng mộ, các chuyên gia đã có một phát hiện đáng chú ý: nhiều mảnh thổ cẩm được tìm thấy trong lăng mộ. Thổ cẩm nổi tiếng của Thục có nguồn gốc từ thời tiền Tần nhưng trước đây chưa từng có mảnh thổ cẩm nào của Thục từ trước nhà Hán được khai quật ở Tứ Xuyên.
Sau này do chiến tranh, chỉ còn một trong bốn kỹ thuật dệt thổ cẩm chính của Thục được lưu truyền. Sau khi trùng tu các mảnh thổ cẩm, các chuyên gia đã thành công trong việc khôi phục lại nghề thủ công thổ cẩm thời kỳ Thục xưa.