Dạo gần đây, người dân không còn muốn làm rẫy, làm vườn mà chuyển sang nghe ngóng về giá đất.
Những cơn sốt đất đã ảnh hưởng đến thị trường đất lân cận TP. HCM. Chỉ cần xẻ một mảnh đất bán cho nhà đầu tư là người dân có thể “đổi đời”. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa muốn bán đất cho nhà đầu tư mà chờ giá đất tăng thêm mới bán.
Anh T. đang có hơn 2 ha đất vườn tại xã Lộc Tiến, TP Bảo Lộc được mua trước đó với giá 30 triệu đồng để phục vụ trồng tiêu và cà phê. Thời điểm cơn sốt đất lập đỉnh, anh T đã được rất nhiều nhà đầu tư liên hệ để hỏi mua đất. Tuy nhiên anh vẫn chưa có ý định bán và muốn chờ thêm thời gian, vì anh tin rằng giá đất vẫn có thể tăng hơn nữa.
Năm 2020, anh được một nhà đầu tư hỏi mua lô đất trên với giá 25 tỷ đồng. Đến năm 2021, đã có một nhà đầu tư đến trả giá 40 tỷ đồng. “Nếu bán thì tôi chỉ bán 1 ha còn 1 ha sẽ dùng để sinh sống”, anh T nói.
Với quỹ đất trên, trong thời điểm hiện tại, coi như anh T. đã có trong tay hơn chục tỷ đồng.
Ở huyện Bảo Lâm, vợ chồng chị D. có khoảng 1,5 ha đất vườn, lại view hồ đẹp nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến.
Chị D. chia sẻ, có chủ đầu tư liên hệ chị để hỏi mua lô đất với giá 11 tỷ đồng, song chị chưa có ý định bán. Chị nói: “Vì có nhiều người cùng hỏi mua mảnh đất nên tôi nghĩ giá của nó sẽ tiếp tục tăng, chỉ cần căn thời điểm là tôi sẽ chốt bán”.
Anh Toàn, một môi giới kiêm nhà đầu tư khu vực bất động sản Lâm Đồng cho hay, những người dân có đất vườn đều là người dân bản địa hoặc dân làm ăn chuyển đến sinh sống được trên dưới 10 năm. Họ mua ảnh đất với giá chỉ với 1 - 2 chỉ vàng và đến bây giờ những mảnh đất đó đều có giá đến chục tỷ. Cho rằng với lợi thế về vị trí và biến động của thị trường, hầu hết đều có cùng tâm lý chờ chốt giá thay vì bán ngay. Vì vậy, nhà đầu tư giờ đi mua đất của người dân sẽ khó hơn rất nhiều. Trường hợp có mua được thì giá cũng cao gấp 2 - 3 lần.
Tại những tỉnh thành mà cơn sốt đất đi qua, tâm lý người dân không thiết tha việc làm rẫy, làm vườn mà chuyển sang “căn thời” để bán đất rồi chuyển về quê sinh sống.
Đánh giá về tình trạng sốt đất ảo thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc giá đất tăng mạnh đã thu hút nguồn lực lớn của cả nước, làm giảm đầu tư, tình trạng sản xuất và kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Giá đất tăng cao khiến người dân không yên tâm vào canh tác, sản xuất. Những người dân có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng không thể mua được vì giá đất tăng cao khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.