Data For Life 2024 khép lại “bùng nổ”, khai phá nhiều tài năng công nghệ trẻ và giải pháp dữ liệu tiên phong
Việc vươn xa khỏi phạm vi quốc gia, mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Data For Life 2024 đánh dấu một điểm sáng mới, mở ra cơ hội va chạm thú vị hơn cho các tài năng trong nước, mang đến sự đa dạng trong ý tưởng, văn hóa và phương pháp tiếp cận vấn đề.
Trong kỷ nguyên số, những "sân chơi" tìm kiếm tài năng công nghệ đóng vai trò trọng yếu trong việc khai mở và nuôi dưỡng các ý tưởng đột phá, tạo nền tảng cho sự phát triển của các giải pháp sáng tạo, góp phần định hình tương lai công nghệ và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Data For Life 2024 - một cuộc thi có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam nhằm tìm kiếm tài năng trẻ nhằm phục vụ phục vụ xây dựng Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, để lại những dấu ấn lớn trong cộng đồng công nghệ và truyền thông.
Do Trung tâm Dữ liệu và dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Đại học Bách khoa Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp tổ chức, trong hơn 2 tháng triển khai, Data For Life 2024 đã thu hút 376 đội tham dự từ khắp các tỉnh thành trên cả nước và dự án từ nước ngoài như Australia, Singapore, Hàn Quốc và Indonesia. Việc vươn xa khỏi phạm vi quốc gia, mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của cuộc thi năm nay đánh dấu một điểm sáng mới. Bởi yếu tố quốc tế từ các đội thi ngoài lãnh thổ Việt Nam không chỉ mở ra cơ hội va chạm thú vị hơn cho các tài năng trong nước, mà còn mang đến sự đa dạng trong ý tưởng, văn hóa và phương pháp tiếp cận vấn đề.
Vòng chung kết cuộc thi đã diễn ra vào ngày 27/11. Tại đây, sáu đội thi xuất sắc nhất, gồm X-Fea, NCB-CDS-AIML, Small World Big Venture, ZeroToHero, GoTrust và Ngân hàng TMCP Quân Đội, đã trình bày những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo.
Vòng chung kết mở đầu bởi đội thi Small World Big Venture đến từ Australia với giải pháp DeepBreath - ứng dụng giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí. Thí sinh duy nhất của đội khiến ban giám khảo ấn tượng với phần trình bày thuyết phục, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí tại nơi sinh sống.
Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp nhận được đánh giá cao về tính thiết thực và khả thi. Tuy nhiên, giám khảo Vũ Văn Tấn nhận xét, ngoài lấy số liệu từ trạm giám sát, ứng dụng cần bổ sung dữ liệu từ dự báo thời tiết và tích hợp các yếu tố liên quan như hoạt động du lịch xanh, thúc đẩy gia tăng trải nghiệm người dùng. Từ đó, mô hình có thể dễ dàng đi vào đời sống, như gắn với khu làng nghề tăng trải nghiệm người dùng về một điểm đến xanh, không khí trong lành kết hợp mua sắm, nghỉ dưỡng.
Phần thi tiếp theo thuộc về đội NCB-CDS-AIML, với giải pháp giải pháp Nền tảng tích hợp triển khai mô hình học máy dựa trên điện toán đám mây (Cloud based Integrated ML Model and Feature Serving Platform) nhằm hỗ trợ triển khai hiệu quả các mô hình học máy, tối ưu hóa nguồn lực trong lĩnh vực công nghệ và AI trong đa dạng các lĩnh vực xã hội. Hệ thống này ứng dụng nhiều thuật toán được tối ưu từ xử lý dữ liệu thô đến việc tối ưu hóa quá trình tính toán biến, đảm bảo khả năng phản hồi nhanh chóng và chính xác cho mọi yêu cầu.
Là “tân binh” lần đầu tiên tham gia cuộc thi, đồng thời cũng là nhân tố mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở mảng tài chính ngân hàng, nhóm dự thi đã chinh phục được Ban giám khảo. Ông Đinh Viết Sang - Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa, Hà Nội, đại diện Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đầu tư, sáng tạo của ngân hàng NCB và khả năng triển khai thực tế cũng như tính ứng dụng trên diện rộng của giải pháp này, góp phần triển khai mục tiêu số hóa của Chính phủ”.
Các ý tưởng của cuộc thi năm nay xuất phát từ mọi lĩnh vực đời sống, từ giáo dục, dân sinh, đến y tế... Mang đến giải pháp Đánh giá đường thở khẩn cấp dựa trên AI từ Singapore, đội X-Fea "hiến kế" sử dụng kỹ thuật xử lý hình ảnh để xác định các điểm đặc trưng trên khuôn mặt và cổ bệnh nhân. Giám khảo Foong Yi Zhuan, Giám đốc sản phẩm của Data.gov.sg đánh giá cao sự hỗ trợ mà sản phẩm mang lại cho bác sĩ, nhấn mạnh rằng AI sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc chẩn đoán chính xác hơn.
Giám khảo Vũ Văn Tấn cũng đề xuất đội nên kết hợp với các bộ dữ liệu chuyên sâu từ bác sĩ để tăng tính hiệu quả và chính xác cho sản phẩm.
Đội thi ZeroToHero tập trung vào việc phòng ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của công dân trẻ từ 13 đến 25 tuổi. Giải pháp sử dụng AI để phân tích hồ sơ cá nhân, lịch sử hành vi và môi trường sống, từ đó giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Được đánh giá là ý tưởng tiềm năng, dù vậy, các giám khảo nhấn mạnh rằng giải pháp cần được minh bạch cho các nhóm đối tượng cụ thể, như từ giai đoạn 13-18 tuổi, 18-22 tuổi và 22-25 tuổi. Bên cạnh đó, đội thi cũng cần lưu ý tính pháp lý và độ bảo mật.
Vòng chung kết ngày càng gay cấn khi GoTrust xuất hiện ở gần cuối. Đây là đội thi để lại ấn tượng mạnh nhất trong cuộc thi với giải pháp Kiosk MediPay, giúp tối ưu hóa quy trình thanh toán và truy vấn lịch sử khám chữa bệnh thông qua căn cước công dân. Giải pháp không chỉ mang lại sự tiện lợi, minh bạch mà còn giúp tiết kiệm thời gian cho người bệnh, được các giám khảo trong và ngoài nước đánh giá cao.
Phần thi nhận được sự đánh giá cao của các giám khảo trong nước cũng như quốc tế. Hầu hết giám khảo đều cho rằng giải pháp hữu dụng, trong tương lai có thể phát triển mở rộng hơn các tính năng khác. Với màn thể hiện xuất sắc, đây cũng là đội giành giải Nhất trong cuộc thi năm nay.
Là đội thi cuối, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội mang đến sân chơi giải pháp Bản đồ thiện nguyện và an sinh xã hội. Các thí sinh tiết lộ sản phẩm đã được triển khai thực tế, quyên góp được gần 1.000 tỷ và hỗ trợ hàng nghìn trường hợp hoàn cảnh khó khăn. Giải pháp nhận được sự ủng hộ đông đảo nhờ giá trị cộng đồng tích cực.
Song song với phần thi là hai tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đã làm nổi bật vai trò của dữ liệu và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tọa đàm thứ hai có sự tham gia chia sẻ của Đại tá Vũ Văn Tấn, đại diện Ngân hàng Vietcombank là đơn vị tài trợ cuộc thi, PGS.TS Tạ Hải Tùng –-Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông GS.TS Laurent El Ghaoui - Hiệu phó trường Đại học VinUni, ông Foong Yi Zhuan - Product manager của Data.gov.sg…
Khép lại Data For Life 2024, Ban tổ chức đã trao giải nhất trị giá 300 triệu đồng tặng Đội GoTrust; giải nhì, ba và khuyến khích trị giá 50 triệu, 30 triệu và 10 triệu đồng lần lượt được trao tặng Đội ZeroToHero, X-Fea và NCB-CDS-AIML. Bên cạnh đó là hai giải tiềm năng cho Đội NCB-CDS-AIML và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội, mỗi đội 5 triệu đồng cùng kỷ niệm chương của chương trình.
Không chỉ được nhận các giải thưởng, đội thi đạt giải nhất, nhì, ba sẽ trở thành thành viên khóa ươm mầm số một và được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tại Trung tâm đổi mới sáng tạo dữ liệu quốc gia của Trung tâm Dữ liệu quốc gia được hình thành vào năm 2025.
>> 6 giải pháp công nghệ giúp giải các bài toán để phát triển kinh tế số
Phải làm chủ công nghệ bán dẫn nếu không muốn trở thành một đất nước gia công
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số